Ngành giáo dục Yên Bái thực hiện lời Bác dạy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2019 | 8:13:30 AM

YênBái - Đổi thay rõ nét trong bức tranh giáo dục và đào tạo của tỉnh là mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. 

Thực hiện lời Bác dạy, nhiều giáo viên đã không ngừng nỗ lực và đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Thực hiện lời Bác dạy, nhiều giáo viên đã không ngừng nỗ lực và đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GDĐT) con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng” vừa "chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp "trồng người", vì theo Bác, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia, một dân tộc suy cho cùng hoàn toàn phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp GDĐT con người; trong đó, GDĐT giữ vai trò quyết định. 

Lời căn dặn của Người "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt” đã trở thành mục tiêu phấn đấu, để ngành giáo dục tỉnh Yên Bái vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả rất đáng tự hào trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
 
Trong sự quan tâm chung đối với sự nghiệp GDĐT của đất nước, Bác cũng dành cho ngành GDĐT tỉnh Yên Bái những tình cảm đặc biệt. Năm 1948, Bác đã viết thư gửi Nhi đồng Yên Bái. Trong thư có đoạn "... chừng 4.800 cháu đã biết chữ, thế là tốt, nhưng còn 2.700 cháu chưa biết chữ”. 

Thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái tháng 9/1958, Người nhấn mạnh: "Muốn cho dân giàu, nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được nạn mù chữ”. 

Thực hiện lời dạy và đáp lại tình cảm của Người, cùng với việc đầu tư cho GDĐT, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, tập trung trí lực xác định các giải pháp mang tính đột phá, gắn với Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, thực hiện có hiệu quả, từng bước đưa sự nghiệp GDĐT của tỉnh đổi mới căn bản và toàn diện. 

Đổi thay rõ nét trong bức tranh GDĐT của tỉnh, đó là mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 432 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với quy mô gần 7.600 nhóm, lớp với trên 209.000 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp hàng năm đạt trên 99%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%; tỷ lệ trong độ tuổi vào lớp 6 đạt 98%. 

Cùng đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 70%; toàn tỉnh hiện có 151 trường đạt chuẩn quốc gia. 

Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên không ngừng nỗ lực, đoàn kết vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Năm 2015, lần đầu tiên tỉnh có học sinh đạt giải Khuyến khích Olympic Vật lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; năm 2018, có 1 học sinh xếp thứ 2 toàn quốc môn Hóa và có cơ hội rất lớn tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế được tổ chức trong thời gian tới. Tính trong 2 năm học gần đây, toàn tỉnh đều giữ trên 690 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

Là ngôi trường luôn dẫn đầu trong bồi dưỡng học sinh giỏi và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, để nâng cao chất lượng dạy và học. 

Thầy giáo Nguyễn Quang Hợp - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn thi đua dạy thật tốt, học thật tốt; giữ vững, nâng cao thành tích thi học sinh giỏi các cấp và kết quả thi vào đại học”.

Công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng thành công hiệu quả các trường dân tộc bán trú, hiện nay, toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú, 48 trường dân tộc bán trú, 57 trường có học sinh bán trú với tổng số trên 22.300 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ. Là nơi truyền thụ kiến thức, chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn luôn nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. 

Cô giáo Sầm Thị Minh Khuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường luôn sáng tạo, đặt những bước đi mang tính đột phá để học sinh DTTS không chỉ được "học chữ” mà còn được "rèn người” theo đúng lời căn dặn của Bác”.

Để tiếp tục thực hiện tốt mong muốn của Người, gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh cho biết: phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của ngành gắn với nhiệm vụ cụ thể và các phong trào thi đua, nhấn mạnh thực hiện đạo đức nhà giáo. 

Cùng đó, ngành xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn được những vấn đề đột phá, những vấn đề khó, bức xúc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân và lộ trình thực hiện. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kiểm định, xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS, giáo dục mũi nhọn, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập xóa mù chữ. 

Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng hiệu quả và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học...

Lời dạy của Bác năm xưa cùng tinh thần học tập không ngừng nghỉ của Người chính là tấm gương đạo đức sáng nhất để đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh soi vào đó nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong hành trình gieo chữ - dạy người, góp phần đưa sự nghiệp GDĐT của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn trong tương lai.

Cô giáo Bùi Thị Kim Anh - giáo viên Sinh học, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn: 



"Để học sinh hứng thú với tiết học, tôi luôn tìm tòi những phương pháp dạy sinh động, linh hoạt, có sự định hướng, khích lệ để học sinh tự khám phá, tìm tòi. Từ đó, khơi gợi sự sáng tạo, khả năng tư duy, tự học hỏi, để các em nhớ kiến thức sâu hơn".

Em Lê Quốc Tiến - lớp 10 Toán Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành:


 
"Lời dạy của Bác về "học tập tốt, lao động tốt” như kim chỉ nam giúp em luôn cố gắng học tập tốt để có kiến thức, kỹ năng và trau dồi đạo đức, sống đẹp, sống lành mạnh để trở thành người có ích".


Thanh Chi - Hán Mạnh Hùng