Trạm Tấu phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2019 | 8:13:16 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, huyện Trạm Tấu đã giao cho ngành nông nghiệp chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm, đặc sản của huyện đi đôi với sản xuất các sản phẩm bản địa, hữu cơ gắn với điều kiện sinh thái của địa phương hướng đến phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới.

Huyện Trạm Tấu hiện đang triển khai đề án xây dựng cơ sở chế biến và chỉ dẫn địa lý sơn tra để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.
Huyện Trạm Tấu hiện đang triển khai đề án xây dựng cơ sở chế biến và chỉ dẫn địa lý sơn tra để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: năm 2019, huyện phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 23.236 tấn; hoàn thành trồng mới 90 ha chè shan vùng cao, nâng tổng diện tích chè lên 634 ha (trong đó có 150 ha chè hữu cơ), sản lượng chè búp tươi 850 tấn/năm.

Tổng đàn gia súc chính 34.500 con, đàn gia cầm 121.098 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 280 tấn; tiếp tục triển khai đề án phát triển chăn nuôi; thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa nếp 87 tại xã Hát Lừu; xây dựng chỉ dẫn địa lý sơn tra Trạm Tấu; nhãn hiệu và chứng nhận sản phẩm hữu cơ chè shan Phình Hồ, sản phẩm gạo nếp 87, khoai sọ, măng ớt, măng sặt, lợn bản địa và gạo nương Trạm Tấu... 

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Trạm Tấu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp; tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Đối với sản xuất các sản phẩm lương thực, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện sản xuất đúng khung thời vụ, cơ cấu giống. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, phấn đấu năng suất lúa trung bình đạt trên 48 tạ/ha, sản lượng ngô đạt gần  9.000 tấn. 

Đối với sản phẩm chè búp tươi, UBND huyện giao các phòng chuyên môn hướng dẫn nhân dân chăm sóc 544 ha chè; chỉ đạo các xã: Bản Mù, Bản Công, Pá Hu rà soát quỹ đất để triển khai thực hiện trồng hoàn thành 30 ha chè shan vùng cao trong năm 2019. 

Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến sản phẩm chè búp tươi; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè kinh doanh, khuyến cáo người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại để liên kết với các hợp tác xã, trường học tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi ra vào địa bàn huyện; thực hiện tốt phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. 

Về đề án phát triển cây sơn tra, cây dược liệu, huyện công bố diện tích 851 ha sơn tra trên địa bàn các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công, Làng Nhì, Tà Xi Láng để nhân dân bảo vệ, thu hái cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thảo dược, hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm sơn tra Trạm Tấu. 

Cùng đó, huyện tiếp tục duy trì các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài huyện; giới thiệu sản phẩm thông qua truyền thông; vận động, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã gắn với việc hỗ trợ chứng nhận sản phẩm. 

Trước mắt, tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý "Lợn bản địa Trạm Tấu”, đăng ký bảo hộ sản phẩm Sơn tra Trạm Tấu, chứng nhận chè shan Phình Hồ - sản phẩm chè hữu cơ; chứng nhận các sản phẩm gạo nếp 87, khoai sọ, măng ớt, măng sặt, gạo nương trở thành sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện Trạm Tấu. 

Hà Anh