Hồng Ca không lơ là với bệnh dịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/4/2019 | 5:56:03 AM

YênBái - Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên hiện có đàn lợn khoảng trên 3.000 con. Những ngày này, đến đâu cũng thấy người dân nói về cách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP), bởi người dân hiểu rõ sự thiệt hại về kinh tế nếu như đàn lợn nhà mình bị nhiễm dịch. 

Người dân xã Hồng Ca rắc vôi bột, tăng cường vệ sinh chuồng trại để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Người dân xã Hồng Ca rắc vôi bột, tăng cường vệ sinh chuồng trại để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Gia đình ông Vũ Minh Phúc ở thôn Bản Khun nuôi hơn 60 con lợn, trong đó, có 7 lợn nái, còn lại là lợn thịt. Sau khi được tập huấn về cách phòng, chống BDTLCP, ông Phúc thường xuyên theo dõi sát sao đàn lợn, duy trì đàn lợn hiện có và tuân thủ các biện pháp do cơ quan chuyên môn hướng dẫn. 

Ông Phúc cho biết: "Tôi chủ động tiêm các loại vắc - xin đầy đủ cho lợn mẹ và lợn con, phun thuốc, rắc vôi sát trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đàn lợn, nếu phát hiện có hiện tượng lợn ốm sẽ thông báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời”. 

Hiện nay, xã Hồng Ca có 531 hộ nuôi lợn ở 13/13 thôn, tổng đàn lợn khoảng trên 3.000 con, chủ yếu được nuôi theo quy mô hộ gia đình. Qua tuyên truyền, nhìn chung các hộ chăn nuôi đều có ý thức trong phòng dịch, thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc 1 lần/tuần. Đồng thời, các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân tích cực chăm sóc đàn lợn, tiêm phòng các loại vắc - xin, tăng cường sức đề kháng cho lợn và theo dõi tình trạng sức khỏe đàn lợn hàng ngày. 

Đồng chí Cao Hà Thảo - công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã cho biết: "Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi biết BDTLCP vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc - xin phòng ngừa. Do vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tăng cường khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn”. 

Để chủ động phòng chống BDTLCP, ngày 1/3/2019, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm xã Hồng Ca với 28 thành viên, do đồng chí phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Đồng thời, xã xây dựng kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện phòng chống BDTLCP đến các thôn; quán triệt nhiệm vụ đến các cơ quan liên quan để triển khai phòng chống đồng bộ, chặt chẽ. 

Cùng đó, xã cũng đã tổ chức 2 đợt vệ sinh tiêu độc môi trường bằng vôi bột, phun 85 lít thuốc tiêu độc khử trùng tại 9 cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nơi buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Từ đầu tháng 3/2019, địa phương đã tiến hành triển khai ký cam kết thực hiện phòng chống dịch bệnh động vật đối với 100% số hộ chăn nuôi lợn, đối với 100% số hộ kinh doanh, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Xã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các quy định trong phòng chống dịch bệnh, triệu chứng bệnh tích, cơ chế lây lan... để người dân chủ động thực hiện phòng chống dịch. 

Đặc biệt, xã tuyên truyền BDTLCP không lây sang người để người dân hiểu, không hoang mang và vẫn sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện nấu chín kỹ trước khi ăn. 

Đồng chí Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Hồng Ca là xã vùng cao, địa bàn rộng, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên vẫn còn khó khăn trong phòng dịch. Để khắc phục, xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng chống BDTLCP tại các cơ sở hộ chăn nuôi, giết mổ lợn, sơ chế, chế biến thịt lợn; các điểm buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ lợn; nơi thu gom rác thải, kênh mương nội đồng... Đồng thời, chúng tôi xác định tập trung nâng cao nhận thức của người dân và nhấn mạnh tác hại, thiệt hại về kinh tế nếu không làm tốt việc phòng chống dịch bệnh”.

Hải Hà