Yên Bái: Tăng xu hướng học nghề

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2019 | 7:58:30 AM

YênBái - Chỉ mất thời gian ngắn để hoàn thành chương trình học với chi phí rẻ hơn trong khi cơ hội việc làm và mức lương sau khi ra trường không kém các cử nhân đại học nên một vài năm trở lại đây, xu hướng học nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn thay thế cho các trường đại học, cao đẳng.

Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Em Hà Đình Hùng, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) quyết định đăng ký dự thi THPT quốc gia với nguyện vọng chỉ xét tốt nghiệp. Hùng chia sẻ: "Sức học của em có hạn. Gia đình em cũng chỉ là công nhân nên cơ hội ra trường xin được việc làm tại các cơ quan Nhà nước là rất khó. Vì vậy, ngay từ ban đầu, em đã lựa chọn sẽ học nghề điện. Bố em đang làm trong nghề này nên sau này em có thể theo bố làm về lắp đặt, sửa chữa, vận hành đường dây hoặc làm trong các nhà máy sản xuất điện, công ty xây lắp điện, nhà máy vận hành và bảo trì mạng lưới điện công nghiệp trong các công ty...". 

Hiện nay, rất nhiều học sinh không còn giữ suy nghĩ phải vào đại học bằng mọi giá như những năm trước đây mà bản thân các em và gia đình đã có định hướng về tương lai rõ ràng. Và suy nghĩ này không chỉ ở những học sinh có học lực trung bình mà ngay cả học sinh có học lực khá, giỏi. 

Em Nguyễn Xuân Thành, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) có 3/5 học kỳ đạt học sinh giỏi. Trong đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, Thành đăng ký dự thi với nguyện vọng 1 là Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Nếu không may mắn đỗ nguyện vọng 1, Thành dự định sẽ học nghề chứ không tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng khác. 

Thành tâm sự: "Đây là nguyện vọng của em và bố mẹ em cũng rất ủng hộ quyết định ấy. Thi vào trường y sẽ rất khó khăn song nếu đỗ, cơ hội việc làm là khả quan. Còn nếu theo học các trường khác thì cơ hội việc làm với bản thân em khá khó. Vì vậy, em lựa chọn nguyện vọng 2 là học nghề và em sẽ học nghề nấu ăn".

Đứng trước tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", tỷ lệ thất nghiệp và làm trái ngành, trái nghề sau đào tạo đang gia tăng thì suy nghĩ của phụ huynh, học sinh đã có sự thay đổi dần sang học nghề. Sự thay đổi ấy không chỉ xuất phát từ thực tế việc làm mà còn có một phần đóng góp không nhỏ của 12 cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh. 

Các cơ sở này đang làm tốt việc tuyển sinh với việc xây dựng các tổ tuyển sinh không những đến các trường học THPT, THCS mà còn đến tận gia đình tư vấn, tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh có nhu cầu tham gia đăng ký học nghề. Thêm vào đó là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng thực hành; tích cực tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp tìm việc làm cho học sinh... 

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Hiện nay, Trường đào tạo 17 ngành/nghề, trong đó có khoảng 10 ngành/nghề như: công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí, gia công thiết kế sản phẩm mộc, vận hành máy thi công nền, hàn, cắt gọt kim loại... nhà trường cam kết với học sinh sau khi hoàn thành chương trình học sẽ có việc làm. Bởi ngay từ đầu năm học, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp, ký cam kết đào tạo nhân lực". 

Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, là kết quả tốt trong việc phân luồng sau THPT. Với sự phát triển của thị trường lao động, tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ thời nay, học sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp, không quá sức để vào đại học thay vào đó là học gì, ngành gì, làm gì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động.
H.A