Nâng cao chất lượng lập pháp - Bài 1: Mệnh lệnh và yêu cầu từ thực tiễn

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2019 | 10:21:28 AM

Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Chính vì vậy để quản lý hiệu quả xã hội, phát triển bền vững đất nước, đòi hỏi tất yếu, khách quan là phải nâng cao chất lượng lập pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành hằng năm đều tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đặc biệt, một số luật vừa mới ban hành đã lạc hậu hoặc phải sửa đổi. Thực tiễn đang đặt ra cho công tác lập pháp nhiều mệnh lệnh và yêu cầu mới.

Bước tiến dài trong công tác xây dựng pháp luật

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật và ghi nhận của đông đảo cử tri, trong thời gian qua, công tác lập pháp của Việt Nam đã thường xuyên được đổi mới và ngày càng có hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, hoạt động lập pháp được Quốc hội (QH) quan tâm đẩy mạnh trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, do vậy đã đạt được những kết quả quan trọng. Số lượng các văn bản luật, pháp lệnh do QH, Ủy ban Thường vụ QH ban hành ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Nếu như trong cả nhiệm kỳ QH khóa IX (1992-1997) chúng ta mới ban hành được 41 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh; QH khóa X (1997-2002) ban hành được 34 luật, bộ luật và 40 pháp lệnh thì chỉ hơn hai năm từ khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, đã có gần 70 đạo luật được QH thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Tại nhiệm kỳ QH khóa XIV (2016-2021), công tác lập pháp luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của QH và số lượng các dự án luật được xem xét trong các kỳ họp QH đều tăng. Dự kiến ở Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu QH sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Trong số đó, nhiều dự án luật được cử tri đặc biệt quan tâm, như: Giáo dục (sửa đổi); Quản lý thuế (sửa đổi); Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bộ luật Lao động (sửa đổi)…

Quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Công tác soạn thảo, thẩm tra, lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật có nhiều cải tiến, chất lượng được nâng lên. Việc thảo luận, thông qua dự án luật tại kỳ họp QH đi vào nền nếp, đúng quy trình và bảo đảm chất lượng. Các vị đại biểu QH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu QH lần đầu tiên được sử dụng phần mềm ứng dụng để hỗ trợ đại biểu trong công tác lập pháp, như đưa ra thông tin nghiên cứu, với thống kê và giới thiệu pháp luật quốc tế, so sánh với pháp luật Việt Nam. Phần mềm này còn giúp việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn.   

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ và chậm đi vào cuộc sống

Tại Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV, QH sẽ cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ luật này kể từ khi ban hành (năm 1994) đến nay đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện, nhưng mới chỉ có vài năm mà việc áp dụng Bộ luật Lao động mới đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế từ thực tiễn thi hành và "vênh” với nhiều luật khác, đòi hỏi phải khẩn trương sửa đổi.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. 

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật. 

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
Bộ luật Lao động là một ví dụ điển hình của việc ban hành những đạo luật thiếu đồng bộ. Cách đây vài năm, dư luận từng xôn xao vì gần 100 lỗi sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 khiến cho bộ luật này không thi hành được. Những sai sót như thế không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của QH mà còn gây ra những thiệt hại không nhỏ cho xã hội.

Báo cáo trước QH tổng kết nhiệm kỳ, Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn đánh giá: "…Bên cạnh đó, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng trình QH. Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội”.

Thực tế hoạt động lập pháp trong thời gian gần đây cho thấy còn tình trạng một số luật, pháp lệnh mới được ban hành nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính khả thi, chậm đi vào cuộc sống. Quá trình xây dựng một số luật, pháp lệnh chưa thực sự bám sát nhu cầu cuộc sống, dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống pháp luật.

Quy trình xây dựng luật, pháp lệnh tuy đã được cải tiến, nhưng vẫn chưa đồng bộ và có điểm chưa hợp lý; nhiều nội dung đã được quy định nhưng việc thực hiện có lúc còn chưa nghiêm túc (cụ thể là trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và cả nhiệm kỳ; việc bảo đảm thời gian gửi tài liệu; việc thực hiện trách nhiệm tham gia, phối hợp thẩm tra...), do vậy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xem xét, thông qua dự án luật. 

Hoạt động thẩm tra của các ủy ban của QH đối với một số dự án luật chưa thể hiện tính phản biện cao. Việc bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với một số dự án luật, pháp lệnh và công tác giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thực hiện còn hạn chế. Quy định trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn trùng lặp hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản đã được ban hành trước đó, nhiều quy định còn mang tính khung, chưa cụ thể…

Thực tiễn cuộc sống và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhằm tiếp tục thể chế hóa cụ thể và sâu sắc hơn đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.       

(Theo QĐND)