Thường trực Tỉnh ủy làm việc với ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2019 | 12:20:13 PM

YênBái - Sáng 22/5, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái làm việc với Sở Giáo dục- Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới theo tinh thần Chương trình hành động số 144-CTr/TU ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy.

Dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh do Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vương Văn Bằng trình bày cho biết: Mạng lưới trường học trên địa bàn đã được sắp xếp và phát triển phù hợp theo điều kiện, tình hình của tỉnh, hiện có 461 cơ sở giáo dục và dạy nghề; riêng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 442 trường với quy mô 6.557 lớp và 212.709 học sinh. 

Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với trên 2.900 học sinh, 53 trường phổ thông dân tộc bán trú và 52 trường có học sinh bán trú với trên 24.050 học sinh. Số trường chuẩn quốc gia đạt 45,6%. 

Chất lượng giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt; chất lượng giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 tiếp tục đạt ở mức khá so với các đơn vị trong Cụm thi đua số 2 và so với toàn quốc. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 708 học sinh đạt giải thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.



Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vương Văn Bằng báo cáo kết quả nhiệm vụ giáo dục - đào tạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, ngành đã triển khai 10 nhiệm vụ và giải pháp chi tiết nhằm hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình hành động. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học năm học 2018 – 2019; phát triển giáo dục mầm non; triển khai kế hoạch mua sắm thiết bị phục vụ năm học mới, triển khai các công trình xây dựng cơ bản; hoàn thành dự thảo Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đến năm 2015, định hướng đến năm 2030. 

Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động 144; triển khai hiệu quả các kỳ thi, hội thi; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 và chuẩn bị điều kiện cho năm học mới; chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Đồng thời, tích cực tham mưu xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GD-ĐT giai đoạn 2015 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 – 2025, góp phần chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 



Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái Đỗ Thị Thanh Thủy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT trong thời gian qua, nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý giáo dục trong tình hình mới; công tác đầu tư cơ sở vật chất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác giáo dục; chất lượng, hiệu quả giáo dục dân tộc… 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh những nội dung mà ngành GD-ĐT cần tiếp tục quan tâm, liên quan đến sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học; giáo dục dân tộc; công tác phân luồng học sinh và đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế, cơ hội việc làm; chất lượng giáo dục thực chất; đổi mới mô hình quản lý GD- ĐT; xây dựng đội ngũ nhà  giáo; xã hội hóa giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất.



Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Chặng đường hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện, có bước chuyển biến lớn. 

Biểu dương những kết quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Đó là: chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; có cơ sở giáo dục chưa thực sự năng động, sáng tạo để đổi mới; phân luồng học sinh còn nhiều khó khăn; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập, tính bền vững trong thực hiện tiêu chí trường chuẩn, công tác quản lý cơ sở giáo dục còn bộc lộ những hạn chế. 

Trước những thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. 

Theo đó, ngành cần khẩn trương rà soát điều chỉnh bổ sung hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh gắn với sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp gắn với giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025. Cùng với đó, tập trung mọi biện pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả GD- ĐT; coi trọng giáo dục "làm người”, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. 



Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí cũng yêu cầu ngành quan tâm đến giáo dục vùng cao, phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, cơ cấu ở các cấp học, bậc học; chấn chỉnh đạo đức nghề giáo. Đồng thời, quan tâm đổi mới, sáng tạo gắn với khoa học- công nghệ; đề xuất danh mục các trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các nhà trường cần đầu tư; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của ngành.

Đồng chí cũng yêu cầu ngành chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT; nhiệm vụ trước mắt là chủ động chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tổng kết năm học 2018-2019 theo hướng đổi mới và sáng tạo…

Thanh Chi – Mạnh Cường