Yên Bái: Nỗ lực phấn đấu 30/8 cơ bản khống chế dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2019 | 2:14:38 PM

YênBái - Ngày 8/7, đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đao phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã họp với các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố và các cơ quan liên quan về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh ngày 4/5 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, tỉnh Yên Bái đã huy động các lực lượng khoanh vùng dập dịch và tiêu hủy lợn theo quy định. Tuy nhiên , với diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh đã và đang lây lan khó kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh. 

Tính đến 07/7/2019, DTLCP xảy ra tại 900 hộ ở 132 thôn, bản, tổ của 63 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn bị ảnh hưởng, mắc, chết và phải tiêu hủy là 5.051 con với trọng lượng 231.142 kg, chiếm trên 10% tổng đàn lợn của tỉnh. Số lợn bệnh, lợn chết tập trung ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng nuôi bình quân chỉ 5 con/hộ. Duy nhất chỉ có một hộ tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn là có quy mô tương đối lớn với 239 con.

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chưa tuân thủ quy trình chăn nuôi khép kín, không nuôi an toàn sinh học; chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, thức ăn chăn nuôi từ địa phương có dịch ra vào địa bàn chưa chặt chẽ; thông tin chưa kịp thời; việc kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập... 

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người chăn nuôi, dịch bệnh đến nay đã dần được kiểm soát. Tính đến ngày 02/7/2019 đã có 08 xã, phường/thị trấn đã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh. Yên Bái cố gắng phấn đấu đến ngày 30/8 cơ bản khống chế dịch bệnh và đến 30/9/2019 khống chế hoàn toàn DTLCP. 

Tại Hội nghị, các ngành, các  địa phương đã có nhiều ý kiến tập trung đánh giá kết quả và những vướng mắc thực tế trong phòng, chống DTLCP thời gian qua; vấn đề vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng; tiêm phòng; giải pháp phát triển các sản phẩm thay thế thịt lợn và đảm bảo giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp; hố trợ tiêu hủy lợn và người làm công tác chống dịch...  

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống DTLCP. Tuy nhiên, nhấn mạnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho công tác phòng chống dịch.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh vè phòng chống DTLCP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; "chống dịch như chống giặc", "lấy phòng là chính, lấy người dân, doanh nghiệp chăn nuôi làm chính"; huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống. 

Thực hiện tốt các kịch bản khi có dịch (không giấu dịch, khoanh vùng xử lý, duy trì chốt kiểm dịch...); tái đàn sau dịch nếu đáp ứng đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học (giống tại chỗ, thức ăn, vệ sinh tiêu độc...).

Quan tâm hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại và người làm công tác phòng chống dịch; có sự giám sát của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và người dân.

Quan tâm thực hiện đồng bộ kiên quyết các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật nói chung, trong đó có DTLCP; vừa phòng chống, khống chế dịch bệnh vừa chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi ngay sau khi dịch bệnh được khống chế...
 
Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng phù hợp điều kiện từng địa phương để đảm bảo tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp.

Thanh Phúc