Văn Yên: Chế biến tinh dầu quế gặp khó

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2019 | 2:04:54 PM

YênBái - Thống kê sơ bộ, hiện tại huyện Văn Yên có 12 nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 500 tấn/năm, tạo việc làm trực tiếp cho 500 lao động và gián tiếp cho 5.000 hộ.

Chế biến tinh dầu quế ở HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên.
Chế biến tinh dầu quế ở HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên.

Huyện Văn Yên được coi là thủ phủ của cây quế với trên 40.000 ha, trong đó, có trên 25.357 ha quế tập trung. Cây quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân. Hàng năm, địa phương bán ra thị trường khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm liên quan đến quế và thu về hàng trăm tỷ đồng. 


Hiện nay, cây quế được trồng ở cả 27 xã, thị trấn và huyện Văn Yên đã xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tại 8 xã hữu ngạn sông Hồng gồm: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng.

Đặc biệt, với việc ra đời của các nhà máy chế biến tinh dầu quế và các cơ sở chế biến tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu là cành nhỏ, lá quế tận thu, nông dân trồng quế có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế. Từ đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng quế. 

Thống kê sơ bộ, hiện tại huyện Văn Yên có 12 nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 500 tấn/năm, tạo việc làm trực tiếp cho 500 lao động và gián tiếp cho 5.000 hộ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, ngành tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá cả xuống trầm trọng. 

Giá tinh dầu quế giảm mạnh từ 580 triệu đồng/tấn  xuống còn 420 triệu đồng/tấn; có thời điểm xuống còn 360 - 380 triệu đồng/tấn. Giá cả xuống thấp lại tiêu thụ chậm, khiến các doanh nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù ngành tinh dầu quế được coi là thế mạnh của huyện Văn Yên cũng như tỉnh Yên Bái; tuy nhiên, hiện nay, do công nghệ chưng cất tinh dầu quế của các doanh nghiệp chưa đạt được nồng độ mà các thị trường khó tính yêu cầu. 

Do đó, mặt hàng này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và khi Trung Quốc ngừng hoặc hạn chế mua thì các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên hiện có 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng. 

Doanh thu của HTX  đạt 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dù vậy, từ gần 1 năm nay, HTX gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường tinh dầu quế xuống thấp. 

Theo ông Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX  cho biết: "Giá tinh dầu quế chỉ dao động từ 360 - 380 triệu đồng/tấn và từ đầu năm đến nay đơn vị mới sản xuất được hơn 6 tấn, xuất được khoảng 2 tấn. Hiện, trên địa bàn có một số nhà máy hoạt động cầm chừng, một số ngừng hoạt động. Nguyên nhân, do năm 2018 làm ăn thua lỗ, tài chính hạn hẹp, thiếu vốn mua nguyên liệu, đầu ra khó khăn bởi phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc”. 

Trước khó khăn trên, các doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế đề nghị tỉnh, huyện, ngành chức năng giúp doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế tiếp cận với thị trường nước ngoài để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến sản phẩm chất lượng cao xuất ra nhiều nước trên thế giới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến tinh dầu quế tiếp cận với nguồn vốn vì hiện nay hầu hết các nhà máy không còn tài sản thế chấp, do đó đề nghị cho vay bằng tín chấp.

Trước bối cảnh mặt hàng tinh dầu quế chịu sự chi phối của thị trường Trung Quốc, để giải quyết đầu ra cho tinh dầu quế và thị trường nông sản nói chung, không cách nào khác là tiếp tục củng cố, đẩy mạnh mở rộng thị trường. 

Muốn vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm tinh. Để làm được điều đó, rất cần có sự giúp sức của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.  

Văn Thông