Yên Bái: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - lực cản tiến bộ xã hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2019 | 11:08:56 AM

YênBái - Từ năm 2016 đến hết quý I năm 2019, toàn tỉnh có 16 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Cán bộ huyện Văn Chấn tuyên truyên phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc Mông, xã Suối Bu.
Cán bộ huyện Văn Chấn tuyên truyên phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc Mông, xã Suối Bu.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) vẫn diễn ra phức tạp. 

Theo kết quả rà soát của các huyện, thị, thành phố về TH-HNCHT, từ năm 2016 đến hết quý I năm 2019, toàn tỉnh có 16 cặp hôn nhân cận huyết thống (trong đó: huyện Trạm Tấu 12 cặp, huyện Mù Cang Chải 2 cặp, huyện Trấn Yên 2 cặp); 1.438 cặp tảo hôn (trong đó: huyện Trạm Tấu 553 cặp, huyện Mù Cang Chải 352 cặp, huyện Văn Yên 196 cặp, huyện Văn Chấn 158 cặp). 

Số kết hôn cận huyết thống tuy đã giảm song vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại. Số cặp vợ chồng tảo hôn có xu hướng tăng dần qua các năm (năm 2016 có 372 cặp, năm 2017 có 374 cặp, năm 2018 có 442 cặp, quý I năm 2019 có 255 cặp). 

Tình trạng TH-HNCHT để lại hậu quả không hề nhỏ. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện cộng thêm việc thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, chưa sẵn sàng tâm lý để mang thai và sinh con làm ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. 

Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. TH-HNCHT còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm nòi giống và chất lượng nguồn nhân lực, trở thành một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. 

Thực tế cho thấy, các huyện có tỷ lệ nghèo đói cao thì tình trạng TH-HNCHT cũng gia tăng. TH-HNCHT không chỉ đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam mà còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. 

Thực tiễn khoa học đã chứng minh, những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng TH-HNCHT có tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ bình thường khác. Đặc biệt, đối với những đứa trẻ sinh ra do cha mẹ kết hôn cận huyết thống có nguy cơ rất cao mắc các dị dạng hoặc bệnh di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, tan máu bẩm sinh…

Để từng bước đẩy lùi tình trạng TH-HNCHT, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương, giao Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đẩy lùi tình trạng TH-HNCHT và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2020 - 2025”. 

Cùng với việc triển khai Đề án, cấp ủy, chính quyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên ban hành nghị quyết lãnh đạo và đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TH-HNCHT. 

Các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cần lựa chọn nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên; phát huy hiệu ứng tuyên truyền của mạng xã hội; lồng ghép việc tuyên truyền TH-HNCHT với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động hòa giải, hội nghị của các đoàn thể…; huy động tối đa các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền qua nhiều hình thức; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng…

Các trường học nên tổ chức các buổi tọa đàm, ngoại khóa giúp học sinh hiểu tác hại của TH-HNCHT, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp và quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. 

Các ngành chức năng tăng cường các hoạt động tư vấn, triển khai nhân rộng các mô hình phòng chống TH-HNCHT; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo điều kiện cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống, trình độ nhận thức cho nhân dân.

Hồng Oanh