Lương Thịnh phát huy thế mạnh kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2019 | 1:43:40 PM

YênBái - Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được người dân trồng rừng kinh tế. Toàn xã Lương Thịnh có 96 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng.

Cơ sở chế biến gỗ bóc của anh Vũ Văn Đô tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Cơ sở chế biến gỗ bóc của anh Vũ Văn Đô tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên có gần 7.200 ha đất tự nhiên, trong đó, đất quy hoạch rừng sản xuất hơn 5.300 ha. Nhiều năm trước, do nhận thức của người dân còn hạn chế, đa phần nông dân không mặn mà với việc đầu tư phát triển rừng sản xuất, việc chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được quan tâm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. 

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh từ rừng, địa phương đã tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích kinh tế từ trồng rừng; triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; xây dựng vùng trồng và định hướng đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: quế, tre măng Bát độ, keo, cây dược liệu, cây ăn quả... vào sản xuất. 

Ông Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết: toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được người dân trồng rừng kinh tế; mỗi năm, xã trồng mới 300 ha; hiện xã có hơn 2.500 ha keo, hơn 1.300 ha bồ đề, 1.063 ha quế, gần 250 ha tre Bát độ, gần 100 ha các loại cây khác. 

Nhiều hộ dân đã xây dựng được mô hình nông, lâm kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Hoan, thôn Khe Lụa. Hiện, gia đình anh có hơn 7 ha đồi rừng, anh đầu tư trồng 6 ha keo, quế, chè, kết hợp xây dựng trang trại chăn nuôi gà thả đồi có quy mô 5.000 con/lứa, tổng doanh thu của gia đình đã trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Anh Hoan chia sẻ: "Diện tích đất rừng trồng cây nguyên liệu keo và quế, chu kỳ thu hoạch phải kéo dài từ 7 - 10 năm, chính vì vậy, trang trại nuôi gà thả đồi là nguồn thu ngắn hạn để tiếp tục đầu tư trồng rừng.

Đi đôi với trồng rừng, chính quyền xã còn tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đầu tư máy móc, công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Hiện, toàn xã có 96 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, trong đó, có 69 cơ sở đã có kế hoạch bảo vệ môi trường; có 3 doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ, có 1 công ty TNHH chế biến gỗ, thu hút gần 1.000 lao động thường xuyên; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm trên 10.500 m khối. 

Thực tế cho thấy, việc đa dạng hóa phương thức sản xuất dựa trên thế mạnh về đất đồi, rừng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Lương Thịnh đang có bước phát triển vượt bậc, đời sống của người dân được nâng lên. Năm 2019, xã Lương Thịnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%. 

Ông Đinh Khắc Huyên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết: giai đoạn tiếp theo, địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế đồi rừng; tập trung phát triển rừng trồng cây nguyên liệu như keo, bồ đề… gắn với mở rộng, phát triển các cơ sở chế biến sâu gỗ rừng trồng gắn với bao tiêu, thu mua gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho lao động tại địa phương; phát triển diện tích trồng quế gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm quế vỏ và các sản phẩm từ cây quế; chú trọng mở rộng diện tích tre măng Bát độ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung...”.      

Anh Dũng