Trạm Tấu phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2019 | 8:04:00 AM

YênBái - Theo dự báo, mùa đông năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp. Vùng núi, vùng cao không khí lạnh, rét đậm, rét hại có thể xảy ra sương muối, băng giá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc.

Mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, người dân Trạm Tấu chủ động đưa đàn gia súc về nuôi nhốt tập trung.
Mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, người dân Trạm Tấu chủ động đưa đàn gia súc về nuôi nhốt tập trung.

Là hộ chăn nuôi nhiều trâu bò, bước vào mùa đông, ông Giàng A Hồ thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu chủ động theo dõi diễn biến khí hậu, thời tiết, dự trữ thức ăn, làm chuồng kín cho gia súc. "Hiện, gia đình tôi có 12 con trâu, bò. Đây là tài sản lớn, nên việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc vào mùa đông luôn được chú trọng”, ông Hồ cho biết. 

Xã Xà Hồ hiện có tổng đàn gia súc chính 3.813 con, trong đó, trâu 867 con, bò 806 con, lợn 2.140 con, đàn dê, ngựa có 1.711 con. 

Là địa phương có số lượng gia súc lớn nên công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc luôn được chính quyền xã Xà Hồ đặt lên hàng đầu mỗi khi mùa đông đến. 

Ông Nguyễn Văn Hòe - Chủ tịch UBND xã cho biết: xác định phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ hàng đầu, bước vào vụ đông xuân 2019 - 2020, trên cơ sở Kế hoạch số 147 của UBND huyện về việc chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xã đã xây dựng các kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ phụ trách cơ sở đến từng thôn tuyên truyền giúp đồng bào hiểu và nắm bắt các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc. Trong đó, chú trọng gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh như làm cây rơm, tận dụng thân lá ngô vụ hè thu, trồng cỏ, trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Toàn huyện Trạm Tấu hiện có tổng đàn gia súc chính là 28.652 con và đàn gia cầm 109.268 con, trong đó, sản phẩm gà đen vùng cao 23.170 con. Do nhận thức, tập quán của người dân vùng cao thường thả rông gia súc trên đồi núi, khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông đã dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết đói, rét. 

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với đàn gia súc do đói, rét, dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, bước vào vụ đông xuân 2019 - 2020, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 147 về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, trong đó, yêu cầu 100% các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động đến các hộ chăn nuôi thực hiện bắt buộc các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc như về chuồng trại, huyện chỉ đạo làm mới, tu sửa chuồng nuôi nhốt gia súc đạt trên 91% số hộ chăn nuôi; 100% hộ chăn nuôi phải sử dụng bạt dứa, phên cỏ tranh hoặc vật liệu khác có sẵn để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc khi có rét đậm, rét hại và mưa tuyết, băng giá. 

Về dự trữ thức ăn, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và 57/57 thôn, bản vận động các hộ chăn nuôi dự trữ rơm khô theo kế hoạch giao từ đầu năm; trồng ngô thương phẩm để lấy thân, lá làm thức ăn, nhất là thức ăn tinh bột như cám ngô, cám gạo nấu cháo loãng để ăn bổ sung vào những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá kéo dài. 

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Trong thời điểm này, khi gió mùa đông bắc về, khí hậu thay đổi, trời trở rét, nhất là ở các xã vùng cao nhiệt độ xuống thấp, Phòng đã cử cán bộ kỹ thuật phụ trách các xã, thị trấn phối hợp với các ngành để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc. Trong đó, chú trọng gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh; chủ động làm cây rơm, tận dụng thân, lá ngô vụ đông, trồng cỏ và trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các bệnh thường xảy ra trong mùa đông như: bệnh viêm khớp, cước chân, viêm phổi, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng... để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả”.  

Cùng đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không chăn thả ngoài trời; bổ sung cho gia súc thức ăn và cho uống nước ấm; không cho trâu, bò cày kéo… góp phần bảo vệ gia súc trước tác động của dịch bệnh, đói, rét trong vụ đông năm nay.

Hà Tĩnh- Lê Ánh Tuyết