Yên Bái: Dịch tả lợn châu Phi đang dần “hạ nhiệt”

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2019 | 8:05:19 AM

YênBái - Tính đến ngày 2/12, có 3 huyện là Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đã khống chế được dịch bệnh. Toàn tỉnh đã có 62 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh, đã công bố hết dịch và con số này còn tăng những ngày tiếp theo. Từ tháng 11 đến nay, số lợn bị tiêu hủy giảm 3.333 con, giảm 145.864 kg so với tháng 10, có ngày không phát sinh bệnh dịch…

Các lực lượng chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các lực lượng chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

"Hạ nhiệt”

Sau 7 tháng kể từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) đã phát sinh tại 526 thôn, bản, tổ của 124 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Hậu quả đã làm 27.977 con lợn bị tiêu hủy, tương đương 1.258 tấn lợn. Ngay khi bệnh dịch bệnh phát sinh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các phương án hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp xuống các địa bàn chỉ đạo công tác khoanh vùng, xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để tổ chức các biện pháp kỹ thuật cho phù hợp với từng vùng theo quy định. Với vai trò đứng mũi chịu sào, lực lượng thú y đã triển khai các biện pháp giám sát hàng ngày diễn biến dịch bệnh, kịp thời kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình. 

Để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, toàn tỉnh đã thành lập 77 chốt kiểm soát dịch bệnh để khử trùng toàn bộ các phương tiện lưu thông ra khỏi vùng có dịch; cấp 13.030 lít sát trùng, 5 máy kích điện tiêu hủy lợn, 7 máy phun động cơ  phục vụ cho công tác tiêu hủy lợn và tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. 

Các ngành chức năng, các địa phương đã cấp phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn phòng chống dịch. Các địa phương đã sử dụng hơn 41.500 kg vôi để tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây lan. 

Các tổ kiểm soát lưu động liên ngành của tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến cơ sở nên đến nay nhiều địa phương có dịch đã khống chế hoàn toàn dịch bệnh. 

Tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi  - Thú y xác nhận BDTLCP đã có dấu hiệu "hạ nhiệt”. Tuy nhiên đây là loại dịch bệnh nguy hiểm chưa có vắc xin, không thuốc chữa, đường lây truyền phức tạp nên nguy cơ tái phát rất cao. Đặc biệt, thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm. 

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ lớn nên việc vận chuyển gia súc gia cầm tăng. Hiện nay, giá lợn hơi đang tăng cao nên dẫn đến nhiều hộ dân nóng vội tái đàn. Mức hỗ trợ của Nhà nước hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên không loại trừ người dân tiếc của thấy lợn ốm bán tháo cho thương lái. 

Vì vậy, nhiều địa phương đã công bố hết dịch, nhưng nguy cơ tái phát dịch bệnh vẫn rất cao. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương và người dân cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng cho biết, để bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm, nhất là đàn lợn cần thực hiện tốt một số biện pháp. Đó là: thường xuyên giám sát dịch bệnh, phát hiện xử lý kịp thời và triệt để ổ dịch khi mới phát sinh nhằm hạn chế sự lây lan; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngay từ lúc đầu chưa kịp phát tán.

Định kỳ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi nhằm tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi để phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm. 

"Cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của mình; chủ động giám sát phát hiện dịch bệnh, xử lý tốt các ổ dịch theo đúng kỹ thuật; áp dụng đồng bộ các giải pháp để không chế dịch khi dịch mới phát sinh" - ông Hùng nhấn mạnh. 

Cùng đó, người chăn nuôi cần kiên trì thực hiện các biện pháp phòng dịch đó là thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc khu chăn nuôi và môi trường bằng hoá chất, vôi bột; hạn chế người không nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi, ngăn chặn vật nuôi khác và côn trùng tiếp xúc lợn; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch…

BDTLCP trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu "hạ nhiệt”. Tuy nhiên, với đặc tính không vắc xin, không thuốc chữa, đường lây truyền đa dạng thì các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chuyên trách và người dân cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. 

Văn Thông