Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2019 | 8:17:17 AM

YênBái - Vào thời điểm này của những năm trước, đa số các hộ chăn nuôi đều đầu tư tăng, tái đàn để phục vụ tết Nguyên đán nhưng năm nay, do bệnh dịch hoành hành nên hầu hết các hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý dè dặt, thận trọng khi tái đàn mặc dù theo quy định, tại các địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, đã công bố hết dịch thì người chăn nuôi có thể tái đàn.

Phun tiêu độc khử trùng ở xã Văn Tiến. (Ảnh: Minh Huyền)
Phun tiêu độc khử trùng ở xã Văn Tiến. (Ảnh: Minh Huyền)

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, trong tháng 11 bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 780 hộ, 111 thôn, 15 xã, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 3.316 con, trọng lượng 150.329 kg; đến ngày 17/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5.099 hộ; 501 thôn, bản, tổ; 123 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy 27.507 con, trọng lượng 1.240 tấn; đã có 50 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh, đã công bố hết dịch; hiện số xã đang có dịch là 73, trong đó có 26 xã dịch tái phát trở lại. 

Mặt khác, người dân ở vùng dịch sau khi tiêu hủy không tái đàn; những nơi chưa có dịch người dân, doanh nghiệp cũng chỉ duy trì số lượng, không mở rộng quy mô để chờ dịch bệnh ổn định. 

Để giải quyết nhu cầu tái đàn của người dân trong thời điểm hiện nay thì ngành chăn nuôi nên thống kê và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở đủ điều kiện cung ứng con giống. 

Theo quy luật cung cầu, thời gian tới, tổng đàn lợn của tỉnh sẽ phát triển tăng lên. Do đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng khép kín từ lợn nái sinh sản đến lợn thịt, chủ động sản xuất con giống tại chỗ; ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng đàn lợn. 

Về phía người chăn nuôi cũng cần phối hợp với cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm cho đàn lợn khi tái đàn để sớm phát hiện các loại bệnh dịch, có phương án xử lý kịp thời; chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn; thường xuyên tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh; thực hiện đầy đủ việc cách ly và hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song đây cũng là thời điểm thuận lợi để các địa phương nên đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. 

Đó là giải pháp cấp thiết để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh, bởi vùng an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, rút ngắn trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn... 

Quang Thiều