Tỉnh táo, không mắc bẫy kẻ xấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/1/2020 | 7:54:57 AM

YênBái - Trên mạng xã hội, không ít người do chưa đủ thông tin, đặc biệt là một số phần tử chống phá Đảng, Nhà nước thường xuyên viết bài kích động, bịa đặt, bôi nhọ…

Như chúng ta đã biết, Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Như vậy có thể nói, việc đặt tên đường là công việc rất bình thường, thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Việc đặt tên đường và các công trình công cộng vẫn thường xuyên diễn ra. 

Người dân quan tâm đến công trình và tên gọi của nó khi mà công trình đó có quy mô lớn, nhân vật đó có đóng góp to lớn cho quốc gia, dân tộc, Chẳng hạn, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, rất nhiều ý kiến của học giả, trí thức và nhân dân đề nghị các cấp chính quyền đặt tên cho con đường mới, to, đẹp mang tên ông để tưởng nhớ công lao của Đại tướng.

Cách đây chưa lâu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng dự kiến đặt tên một con đường tại thành phố này là đường Alexandre De Rhodes (một giáo sỹ người Avignon), sau đó một số trí thức gửi bản kiến nghị phản đối nên việc đặt tên cho con đường này đã được tạm dừng lại. 

Chuyện tưởng như vậy là xong bởi việc tạm dừng, thậm chí là chấm dứt hẳn việc đặt tên đường mang tên nhà truyền giáo này là đúng! Khẳng định như trên dựa vào Điều 10 của Nghị Định 91 (xin trích dẫn nguyên văn): "Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”. 

Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội, không ít người do chưa đủ thông tin, đặc biệt là một số phần tử chống phá Đảng, Nhà nước thường xuyên viết bài kích động, bịa đặt, bôi nhọ… đã nhân cơ hội viết nhiều bài, làm nhiều video clip nhằm kích động dân chúng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là đoàn kết lương giáo. 

Là một người dân bình thường, không theo bất kỳ một tôn giáo nào, không phải là trí thức, học giả, nhà nghiên cứu lịch sử, với sự hiểu biết của mình, nhờ những tư liệu có sẵn trong sách báo, trên mạng internet, thông qua tờ Báo Yên Bái có tôn chỉ là "…tiếng nói của nhân dân” tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Trước hết, về nhân vật Alexandre De Rhodes, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã viết: Alexandre De Rhodes (15 tháng 3 năm 1591 - 5 tháng 11 năm 1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông là một trong những giáo sĩ đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam. Chữ Quốc ngữ Việt Nam được hình thành nhờ công trình tập thể của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo hữu Việt Nam, do giáo sĩ Francisco de Pina khởi đầu. 

Khi Rhodes đến xứ Đàng Trong thì phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh, nay gọi là chữ Quốc ngữ đang được xây dựng. Alexandre de Rhodes đã ghi nhận và thừa hưởng di cảo của những người tiền bối. Ông không phải là người tạo ra chữ Quốc ngữ nhưng có công hệ thống hóa và san định hệ chữ này cũng như biên soạn và giám sát việc ấn hành cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên.

Như vậy, có thể khẳng định, ông Alexandre De Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ! Cần phải nói thêm rằng, ngôn ngữ ra đời và phát triển là cả một quá trình, chữ Quốc ngữ không nằm ngoài quy luật ấy, phải nhờ rất nhiều nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà báo… nó mới ra đời và phát triển. 

Như vậy, những quan điểm cho rằng "Đặt tên đường Alexandre de Rhodes là để nhớ ơn ra người sáng lập ra chữ Quốc ngữ”, hoặc "Không đặt tên ông (tức Alexandre de Rhodes) là vong ân, bội nghĩa”… là không có căn cứ hay nói cách khác là sai. Chưa kể, có rất nhiều ý kiến khẳng định Alexandre de Rhodes có những bài viết, phát biểu phản bác, nói xấu Phật giáo, là một trong những người thúc đẩy thực dân Pháp đô hộ dân tộc Việt Nam cả một thế kỷ, với bao đau thương tang tóc. 

Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này, tôi đã đọc được một bài viết rất hay, trong đó có đoạn: "Chúng ta sử dụng chữ Quốc ngữ mà không cần phải mang ơn những người đã sáng tạo ra nó, bởi chữ Quốc ngữ giống như một chiến lợi phẩm; sử dụng chữ Quốc ngữ giống như cướp được súng giặc để giết giặc thì việc gì phải nhớ ơn giặc đã mang súng đến giết hại đồng bào ta, xâm lược nước ta”.

Trước khi dừng lời, người viết bài này chỉ có một mong muốn, mỗi chúng ta dù theo Công giáo hay Phật giáo cũng đều là con dân nước Việt, cùng hai chữ "đồng bào”; đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước, với các cấp, các ngành trước các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… là cần thiết, thể hiện xã hội dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh, cần đầy đủ thông tin; tuyệt đối không mắc bẫy kẻ xấu. Xin được nói rõ thêm là các thế lực thù địch không ngừng chống phá sự bình yên, khối đại đoàn kết dân tộc với nhiều cách thức và thủ đoạn thâm độc, chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… luôn được chúng áp dụng triệt để; câu chuyện về đặt tên đường mang tên giáo sỹ Alexandre de Rhodes cũng đang được chúng thổi phồng để chống phá ta.

Lê Tấn Đạt