Yên Bái khống chế thành công bệnh dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2020 | 2:16:52 PM

YênBái - Đến ngày 9/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Sau 8 tháng bùng phát, BDTLCP lây lan trên 5.200 hộ, tại 529 thôn, bản, tổ dân phố, của 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Số lợn ốm, mắc bệnh gần 25.600 con; số lợn ốm, chết buộc phải tiêu hủy theo quy định trên 28.000 con, trọng lượng trên 1.260 tấn.

Mặc dù đã cơ bản khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng người chăn nuôi vẫn phải thường xuyên phun khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại.
Mặc dù đã cơ bản khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng người chăn nuôi vẫn phải thường xuyên phun khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại.

Mặc dù đã áp dụng, triển khai các biện pháp phòng, chống BDTLCP nhưng đến đầu tháng 5/2019, bệnh dịch đã xâm nhiễm vào đàn lợn của 2 hộ tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Ngay khi xuất hiện BDTLCP, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cùng các hộ chăn nuôi, người dân đã đồng loạt vào cuộc. 

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các phương án hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh. Lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành chuyên môn đã trực tiếp xuống các địa bàn chỉ đạo khoanh vùng, xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để tổ chức các biện pháp xử lý cho phù hợp với từng vùng theo quy định. 

Cùng đó, lực lượng thú y các cấp triển khai các biện pháp giám sát diễn biến dịch bệnh, kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình. Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh, BDTLCP không có vắc - xin phòng và chữa nên gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Sau khi dịch bùng phát, đơn vị chức năng đã tiến hành lấy 739 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. 

Kết quả, có 619 mẫu bệnh phẩm dương tính với BDTLCP. Toàn tỉnh đã thành lập 77 chốt kiểm soát dịch bệnh, 1 tổ kiểm soát lưu động liên ngành của tỉnh; tiến hành phun tiêu độc khử trùng được trên 461.000 lượt ô tô, xe máy; kiểm tra 105 phương tiện vận chuyển lợn; 61 phương tiện vận chuyển thịt lợn qua các chốt. 

Qua kiểm tra, đã xử lý 4 trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm tươi sống từ lợn không có giấy tờ hợp lệ; tiêu hủy 12 con lợn không có giấy tờ vận chuyển, 50 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, tạm giữ 1 xe máy, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y 1 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước 69,5 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho các huyện, thị xã, thành phố các thiết bị, phương tiện phục vụ cho tiêu hủy và công tác phun tiêu độc khử trùng; cấp 13.130 lít thuốc sát trùng; sử dụng hơn 41.500 kg vôi bột thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Tỉnh cũng đã cấp cho các huyện, thị xã, thành phố 7 đợt tiền hỗ trợ với tổng kinh phí trên 41,5 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh, hỗ trợ người trực chốt kiểm dịch, tiêu hủy. 

Tính đến ngày 9/1/2020, BDTLCP đã cơ bản được khống chế. Toàn tỉnh có 13 trang trại và 308 cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa an toàn đối với BDTLCP. Mặc dù BDTLCP đã khống chế, nhưng tại các địa phương xuất hiện dịch, vi rút gây bệnh vẫn tồn tại trong môi trường. 

Trong khi đó, dịp tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội mùa xuân nhu cầu giết mổ, vận chuyển lợn tăng cao; sự chủ quan của người dân tự ý tái đàn, nhập giống không rõ nguồn gốc cùng với sự diễn biến phức tạp của thời tiết; do vậy, BDTLCP vẫn có nguy cơ tái phát cao. 

Để bảo vệ tốt đàn gia súc, nhất là đàn lợn, các cấp, ngành, địa phương, người dân cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh; cần chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về phòng, chống BDTLCP; tổ chức tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi lợn nâng cao ý thức, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn phải khai báo với chính quyền địa phương và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường giám sát dịch bệnh tới tận thôn, bản, hộ dân, trại chăn nuôi; tiếp tục thực hiện và duy trì cam kết giết mổ đối với các cơ sở giết mổ; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Cùng đó, người chăn nuôi cần kiên trì thực hiện các biện pháp phòng dịch, đó là thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc khu chăn nuôi và môi trường bằng hóa chất, vôi bột; hạn chế người không nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi; ngăn chặn vật nuôi khác và côn trùng tiếp xúc lợn; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh… 

Hồng Duyên