Sắc xuân phố núi

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/1/2020 | 8:20:49 AM

YênBái - Nghĩa Lộ mùa nào cũng đẹp, nhưng khi tết đến xuân về vùng đất này đặc biệt hơn cả bởi đây là thời điểm hình ảnh con người Nghĩa Lộ thân thiện, mến khách, giàu bản sắc được phô diễn một cách sinh động nhất.

Vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang trong mình bản sắc riêng. Cùng với thời gian, bản sắc riêng có của từng dân tộc đã được bảo tồn và phát triển để hôm nay, dáng dấp của thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ dần hình thành, để mỗi dịp tết đến, hương xuân Mường Lò được phô diễn, lan tỏa, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà trên miền quê "gạo trắng, nước trong” này.

Lường Thị Hải năm nay 27 tuổi ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ tham gia đội văn nghệ múa Thái của bản khoảng 10 năm nay. Với Hải, những điệu múa truyền thống của người Thái, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cô. Sau khi sửa lại mấy động tác múa cho chị em trong đội, Hải tâm sự: "Người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò chúng em có rất nhiều nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục, ẩm thực, lễ hội, kiến trúc…, đặc biệt là những điệu múa rất đặc sắc như Chòm chiềng (Mừng năm mới), Trồng bông dệt vải, Hưn mạng (đuổi chim), Tắm suối áo nặm (Tắm suối lấy nước)... 

Hoạt động của đội văn nghệ không chỉ giúp chúng em lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà ngày nay nó còn góp phần mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân khi thị xã đang chú trọng, tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng”. 

Bà Hoàng Thị Loan - mẹ của Hải góp chuyện: "Đội văn nghệ mà Hải tham gia đã góp phần giúp gia đình tôi phát triển được mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương. Anh thấy đấy, cùng với bổ sung các trang thiết bị phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng với các thiết kế mang đậm nét văn hóa, gia đình tôi đã đầu tư tu sửa ngôi nhà theo nguyên mẫu nhà sàn của người Thái cổ. Nhờ đó đã thu hút rất đông khách du lịch và họ đều ấn tượng với không gian đậm nét văn hóa truyền thống của gia đình”. 

Hiện nay, ngoài khu trung tâm bảo tồn văn hóa nhà sàn và làng nghề tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 30 hộ dân đã và đang khai thác giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, tập trung tại bản Sà Rèn, Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi và bản Đêu 2, xã Nghĩa An. Trong năm 2019, Nghĩa Lộ đã đón 130.000 lượt du khách, vượt mục tiêu đề ra.

Với Nghĩa Lộ, mùa nào cũng đẹp, nhưng khi tết đến xuân về vùng đất này đặc biệt hơn cả bởi đây là thời điểm hình ảnh con người Nghĩa Lộ thân thiện, mến khách, giàu bản sắc được phô diễn một cách sinh động nhất. Vốn được mệnh danh là vùng đất của bản sắc nên cùng với xây dựng con người văn hóa, nhiều năm qua, Nghĩa Lộ quan tâm chú trọng khai thác, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhất là khi triển khai Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ".

 Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đã nhận thức rõ về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch. Qua đó, mỗi người đều thấy tự hào và nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống văn minh nơi công cộng cũng như văn hóa giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp... Trong đó, việc gìn giữ phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa được người dân quan tâm thực hiện”.

Đến nay, Nghĩa Lộ có 3 di sản văn hóa đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia (trong đó, 2 di sản văn hóa phi vật thể là Nghệ thuật Xòe Thái và Hội Hạn khuống; 1 di tích lịch sử - văn hóa là Di tích lịch sử - văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ). 

Cùng với đó đền Cầm Hánh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và 3 kỷ lục Guiness Việt Nam được xác lập gồm: mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam, màn đại xòe lớn nhất Việt Nam và chiếc khèn bè của người Thái lớn nhất Việt Nam... Thị xã đặc biệt quan tâm gìn giữ nét văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; khuyến khích các nghệ nhân, người cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ những bài dân vũ, làn điệu dân ca độc đáo, phát triển và khôi phục các ngành nghề truyền thống của dân tộc. 

Qua đó, nhiều lớp dạy chữ Thái cổ, dạy múa xòe, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được tổ chức do các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Hiện, thị xã đã cơ bản đưa Nghệ thuật Xòe Thái vào các trường học, tạo thành nét sinh hoạt đặc sắc, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này. 



Vòng đại xòe với 5.000 người tham gia. (Ảnh: Pa Ri)

Năm 2019, thị xã thành lập mới 6 đội văn nghệ tại xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi. Các đội văn nghệ sau khi thành lập thường xuyên luyện tập, tham gia vào các chương trình của xã và thị xã, đặc biệt trong chương trình văn nghệ tối thứ Bảy tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã và chương trình văn nghệ tối Chủ nhật tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi. 

Đồng chí Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Nhờ làm tốt việc xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, trong đó nòng cốt là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa, coi đây là then chốt để xây dựng và phát triển ngành du lịch tại địa phương, vì thế đến nay, 100% tổ, thôn, bản đã có đội văn nghệ, thể thao, các cơ quan, doanh nghiệp đều xây dựng, duy trì các đội văn nghệ. Nội dung chú trọng đến các loại hình văn hóa dân gian như: trình diễn lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc và các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống tạo nét độc đáo của văn hóa bản địa phục vụ cho phát triển du lịch”.

Huy động được nhiều nguồn lực đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái không chỉ giúp các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy mà nó còn giúp ngành kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch Nghĩa Lộ có bước khởi sắc, tạo sự chuyển biến trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thể hiện tính độc đáo, nét văn hóa riêng của vùng quê ban trắng.

Thành Trung