“Bông hoa trắng” giữa non cao đại ngàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/1/2020 | 8:08:48 AM

YênBái - Nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, người dân xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã quen với hình ảnh người nữ cán bộ y tế xuống tận thôn, bản khám, chữa bệnh cho dân. Không nề hà vất vả, tháng này qua năm khác, người “thầy thuốc cắm bản” âm thầm lặng lẽ, tận tâm, tận lực với nghề nơi vùng cao này là y sĩ Nguyễn Thị Vân Thủy - Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Pá Hu.

Y sĩ Nguyễn Thị Vân Thủy thăm khám cho bệnh nhi.
Y sĩ Nguyễn Thị Vân Thủy thăm khám cho bệnh nhi.

Ở huyện Trạm Tấu này, Pá Hu vẫn là xã nghèo, bởi vậy khó khăn lại chồng chất khó khăn. Mười lăm năm về trước ở đây cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cái chữ cái nghĩa. Duy nhất một thứ là thừa đó là "hủ tục”.

 Và thầy mo chính là nhân vật "ngự trị” đã ăn sâu, cắm rễ trong đời sống của đồng bào. Thầy mo chữa cái bệnh, thầy mo đuổi tà ma cho mình khỏe mạnh... chứ còn "cái bác sĩ” nghe lạ tai lắm! Bởi vậy, câu chuyện thầy thuốc cắm bản ở đây cũng như bắt đầu một cuộc chiến không cân sức... 

Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân Thủy kể lại câu chuyện buồn vui của thời kỳ đầu về cắm bản giúp người dân chữa bệnh: "Người dân bị bệnh, mình khuyên phải đi khám bệnh, điều trị nhưng họ không đi, bảo không cần, tao có thầy cúng rồi...”. 

Và cứ mắc bệnh là họ mời thầy cúng. Cúng rồi bệnh không khỏi thì nằm đó chờ chết chứ nhất định không đi khám bác sĩ. Và không ít những cái chết oan uổng bởi những bệnh rất bình thường như viêm phổi, sốt cao...”.

Là người dân tộc Kinh, ở vùng quê lúa Thái Bình nhưng chị Thủy sinh ra và lớn lên ở thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Có mẹ công tác trong ngành y tế, nên những đêm theo mẹ đi trực tại bệnh viện, nhìn mẹ chăm sóc bệnh nhân, chị Thủy đã ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Chị Thủy kể: "Mình mơ ước được học tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên nhưng gia đình khó khăn nên không có khả năng theo học và mình đi học hệ cử tuyển ở trường Trung cấp Y tế Yên Bái”. 

Năm 1999, khi ra trường, nơi công tác đầu tiên của chị là Trạm Y tế xã Xà Hồ. Suốt quá trình 20 năm công tác, chị được nhận nhiệm vụ ở nhiều địa phương từ Trạm Y tế Pá Hu, Hát Lừu, Pá Lau và nay là Trạm trưởng, Trạm Y tế Pá Hu. 

Những tháng ngày công tác, chị đã gom góp cả một "kho” kỷ niệm. Chị kể, nhận nhiệm vụ ở Pá Lau, thời đấy, các thầy cô giáo và thầy thuốc trở thành những cán bộ chủ chốt ở địa bàn. Đầu tuần, các chị đi bộ từ huyện lên xã mang theo đồ ăn khô, cuối tuần mới về. 

Cuộc sống vất vả song tuổi trẻ đầy nhiệt huyết không quản khó khăn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh. 

Chị Thủy nhớ lại: "Một lần trên đường đi lên Trạm, gặp một sản phụ được người nhà khiêng xuống Nghĩa Lộ để sinh con nhưng đi ngang đường thì đẻ, tôi đã cùng gia đình đỡ đẻ và đưa hai mẹ con về Trạm để chăm sóc và chờ rau bong. Do đẻ khó, rau không bong nên tôi phải tư vấn cho gia đình đưa cả mẹ và con đi viện nhưng gia đình nhất quyết không đi. Sau thì nhờ kiên trì thuyết phục và được sự hỗ trợ của chính quyền xã gia đình cũng chịu đưa hai mẹ con sản phụ đến bệnh viện và được chăm sóc an toàn”. 

Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Thủy được tổ chức tín nhiệm phân công tới những nơi gặp khó khăn về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực… Bằng sự tâm huyết với nghề, bằng kinh nghiệm quản lý, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng, giao phó. Ghi nhận những cống hiến của chị, nhiều năm liền chị Thủy được huyện, tỉnh tặng bằng khen, giấy khen, Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương và được biết chị đang vinh dự được đề nghị xét tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ -  giải thưởng cao quý của ngành.

Rời Pá Hu, những câu hát trong bài "Bác sĩ về bản” tình cờ nghe được cứ âm vang suốt chặng đường về "Cái bác sĩ nó về bản em/ Cái áo trắng nó mặc thật xinh/ Mắt trong sáng nét duyên dáng/Nở nụ cười đẹp như nàng tiên...”. Quả thật, những cán bộ như chị Thủy trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển, tiến bộ ở vùng cao, như "bông hoa trắng” điểm tô giữa non cao đại ngàn!

Trần Minh