Cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể: Cơ hội cho tất cả

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/2/2020 | 8:06:59 AM

YênBái - Một trong những đặc thù hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội.

NHCSXH với bộ máy gọn nhẹ đảm nhiệm các quy trình nghiệp vụ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chu chuyển của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Các tổ chức chính trị xã hội bằng mạng lưới cơ sở của mình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn bản sẽ đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi; thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác; kiểm tra đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. 


Đến tháng 12/2019, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; 36 hội cấp huyện; ký hợp đồng ủy thác với 628 hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với 2.363 tổ TK&VV ở các thôn bản. 

Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn bản trong toàn tỉnh để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với đối tượng sử dụng, đồng thời quản lý một cách chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. 

Việc thực hiện công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách của các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng. 

Đến 31/12/2019, dư nợ ủy thác là hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7% tổng dư nợ; nợ quá hạn là 2.320 triệu đồng chiếm 0,08%. Các tổ chức hội, đoàn thể quản lý 2.363 tổ TK&VV, 82.862 hộ vay. 

Trong đó: 175 xã có Hội Phụ nữ ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 789 tổ TK&VV, 27.820 hộ vay, dư nợ 1.016 tỷ đồng (chiếm 33,3% tổng số dư nợ ủy thác).

167 xã có Hội Nông dân ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 645 tổ TK&VV, 22.797 hộ vay, dư nợ 840 tỷ đồng (chiếm 27,6% tổng số dư nợ ủy thác).

165 xã có Hội Cựu chiến binh ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 533 tổ TK&VV, 18.616 hộ vay, dư nợ 633,5 tỷ đồng (chiếm 20,8% tổng số dư nợ ủy thác).

121 xã có Đoàn Thanh niên ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH quản lý 396 tổ TK&VV, 14.084 hộ vay, dư nợ 522 triệu đồng (chiếm 17,2% tổng dư nợ ủy thác). 

Kết quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đã phản ánh tính tiên tiến của phương thức cho vay: chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đồng thời quản lý vốn tín dụng chính sách công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động NHCSXH.

Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội có điều kiện kết nạp thêm được hội viên, củng cố, kiện toàn các tổ chức của mình từ cơ sở ngày càng vững mạnh, đồng thời có thêm một phần kinh phí để hoạt động. 

Công tác ủy thác từng phần đã gắn kết NHCSXH với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, chung tay thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Việc tuyên truyền vận động, triển khai hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gắn với hoạt động đầu tư vốn ưu đãi cho hộ nghèo đã phát huy tác dụng, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. 

Mô hình tổ TK&VV tập hợp những hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn sống trên một địa bàn dân cư, do các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận. 

Hoạt động của tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tổ TK&VV còn được giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, có sự quản lý, hướng dẫn, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và trưởng thôn, bản, trình UBND cấp xã phê duyệt. 

Qua 16 năm hoạt động và xây dựng mạng lưới, hệ thống tổ TK&VV, đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 2.369 tổ TK&VV ở khắp các thôn bản, khu dân cư trong tỉnh. Trung bình mỗi tổ có 35 tổ viên, dư nợ bình quân do một tổ quản lý là 1,29 tỷ đồng. Mô hình tổ TK&VV ngày càng phát huy hiệu quả trong quản lý vốn. 

Năm 2019, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng tổ TK&VV, thường xuyên củng cố, kiện toàn đảm bảo chất lượng hoạt động, tập huấn hướng dẫn cho tổ TK&VV về các chương trình tín dụng ưu đãi và quy trình thủ tục vay vốn. Chất lượng tổ TK&VV đã có nhiều chuyển biến từ đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nói chung. 

Ngoài việc tham gia tổ TK&VV để được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng tham gia thực hành tiết kiệm bằng việc gửi tiền thông qua tổ TK&VV hàng tháng với số tiền nhỏ, chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/tháng, nhưng tích cóp để giảm bớt khó khăn khi trả nợ đến hạn.

Đến nay đã có trên 99% số hộ vay vốn tham gia gửi tiền tại NHCSXH với số dư 126,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ có số dư tiền gửi 1,5 triệu đồng. Nguồn vốn đó cũng góp phần làm giảm áp lực vốn cấp từ ngân sách Nhà nước cho NHCSXH.

Ngân hàng CSXH huyện Yên Bình: Doanh số cho vay trên 132 tỷ đồng

Thời gian qua, Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Ban Giảm nghèo, chính quyền các xã, thị trấn về tín dụng chính sách.

Trong đó, tập trung triển khai tốt các chương trình phối hợp; kiểm tra, giám sát tại 26 xã, tại các tổ tiết kiệm vay vốn và hộ vay.  Qua đó, hoạt động ủy thác của các tổ chức Hội, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào nề nếp, chất lượng ngày được nâng cao. 

Năm 2019, doanh số cho vay của Ngân hàng đạt 132.138 triệu đồng; tổng dư nợ 470.543 triệu đồng.

Lê Phiên