Yên Bình chủ động phòng chống dịch bệnh vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/2/2020 | 8:13:54 AM

YênBái - Trong tháng 2, huyện triển khai Tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường toàn địa bàn nhằm phòng, chống và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn và dịch cúm gia cầm.

Sau khi xuất chuồng, ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình đều vệ sinh chuồng trại, khử trùng, để trống chuồng sau một tuần mới nuôi lại.
Sau khi xuất chuồng, ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình đều vệ sinh chuồng trại, khử trùng, để trống chuồng sau một tuần mới nuôi lại.

Gần 6 năm gắn bó với chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn, trung bình mỗi năm, ông Lê Văn Hùng ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thu nhập vài trăm triệu đồng từ tiền bán lợn, gà. Ông Hùng cho biết: "Gia đình xác định chăn nuôi là nguồn thu nhập chính nên tôi luôn đề cao phòng, chống dịch bệnh tại trang trại của mình. Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm được thông tin dịch lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện ở huyện Trạm Tấu, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát ở huyện Lục Yên và dịch cúm gia cầm H5N6 đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… nên tôi khá lo lắng". 

"Để bảo vệ an toàn vật nuôi, ngoài việc tiêm phòng vắc -xin phòng bệnh định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho gia cầm. Đối với lợn, tôi áp dụng chăn nuôi khép kín từ con giống, thức ăn, cách ly hoàn toàn với người ngoài và thường xuyên phun thuốc khử trùng” - ông Hùng nói. 

Hiện, trong chuồng nhà ông Hùng có 8 lợn nái và 100 - 150 con từ lợn con đến lợn thịt, gần 5.000 con gà. Do làm tốt phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn, gà luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, mang lại nguồn thu ổn định. Ông Hùng cho biết thêm: "Chỉ riêng trong tháng 1 và 2 vừa qua, gia đình tôi xuất bán trên 13 tấn lợn với giá 82.000 đồng/kg cho thu nhập trên 1 tỷ đồng”.

Theo thống kê, huyện Yên Bình hiện có trên 9.300 con trâu, trên 4.800 con bò; trên 33.680 con lợn và 508.510 con gia cầm các loại. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. 

Vì vậy, để đảm bảo cho gia súc, gia cầm phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 1 trên đàn vật nuôi để phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm, LMLM, tụ huyết trùng, dịch tả… 

Anh Đỗ Trọng Hiệp - Tổ phó Tổ Chăn nuôi - Thú y - Kiểm ngư, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình cho biết: "Năm 2019, toàn huyện đã tiêm được trên 34.000 liều vắc - xin các loại; phun tiêu độc, khử trùng trên 4.110 lít hóa chất. Trong tháng 2/2020, huyện triển khai Tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường toàn địa bàn nhằm phòng, chống và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan của bệnh DTLCP trên đàn lợn và dịch cúm gia cầm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường”. 

Theo đó, toàn huyện tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại 177 thôn, tổ nhân dân, khu phố của 24 xã, thị trấn. Trong Tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, huyện được cấp gần 740 lít thuốc sát trùng để phun khử trùng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi và các vùng phụ cận.

Khu vực chợ, nơi giết mổ, nơi tập trung, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; rắc vôi bột khu vực bến đò, đầu mối giao thông, đường làng, ngõ xóm, khu công cộng, cổng ra vào nhà ở và chuồng trại.

Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, huyện đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ tiêm phòng và tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc - xin cho gia súc, gia cầm theo quy định. 

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. 

Các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất cho người dân.

Hồng Duyên