Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2020 | 10:52:46 AM

YênBái - Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019”.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019” thực hiện trên địa bàn xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho hiệu quả tốt.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019” thực hiện trên địa bàn xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho hiệu quả tốt.

Triển khai Dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng một mô hình trình diễn thâm canh chè an toàn quy mô 30 ha, 84 hộ của xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên tham gia theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 50%, dân đối ứng 50%. 

Toàn bộ số hộ này được tập huấn và áp dụng triệt để biện pháp chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly trước khi thu hoạch, bảo quản chè... đảm bảo chất lượng an toàn; sử dụng nương chè đang thời kỳ kinh doanh, độ tuổi bình quân từ 4 - 6 năm với giống chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên...; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nằm trong danh mục quy định, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; thường xuyên ghi chép, cập nhật sổ sách theo dõi làm căn cứ quản lý, đánh giá hiệu quả, truy xuất nguồn gốc. 

Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng mô hình liên kết tổ chức quản lý sản xuất chè an toàn đại diện cho 84 hộ. Có 2 Tổ liên kết sản xuất chè an toàn được thành lập, các hộ trong mô hình là thành viên; Ban điều hành Tổ liên kết sản xuất là thành viên Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng. Tổ liên kết sản xuất, Ban điều hành hoạt động theo quy chế. 

Cán bộ kỹ thuật của Dự án phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tổ chức các cuộc sinh hoạt cho 2 Tổ liên kết sản xuất chè an toàn để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn và tìm cách khắc phục hiệu quả. Suốt quá trình thực hiện mô hình, các hộ đã tập trung đầu tư, canh tác tốt. Toàn bộ diện tích chè đã thu hoạch 7 - 8 lứa, năng suất trung bình trong ba năm đạt 10,84 tấn búp tươi/ha/năm, cao hơn 1,84 tấn búp tươi/ha/năm và tăng 20,4% so với canh tác thông thường. 

Dự án sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm 01, chế phẩm sinh học EMINA-P nên ngoài năng suất tăng, đất tơi xốp... thì cây chè ít bị dịch bệnh gây hại. Đặc biệt, các hộ đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên mặc dù thời gian phòng trị sâu bệnh cho cây chè kéo dài hơn song chất lượng chè luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được ưu tiên thu mua với giá cao hơn khi bán ra thị trường. 

Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng thu mua chè của các hộ trong Dự án với giá dao động 12.000 - 15.000 đồng/kg búp tươi. Trừ chi phí mua vật tư và công lao động, mỗi héc-ta sản xuất chè an toàn cho lãi 73,272 triệu đồng/năm so với số lãi 42,908 triệu đồng/năm/ha chè ngoài Dự án.

Khắc phục kịp thời các khó khăn chủ quan lẫn khách quan, Dự án đã đảm bảo tiến độ, mục tiêu, yêu cầu, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. 

Thực tế cho thấy, tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè an toàn dễ làm, phù hợp tập quán sản xuất của địa phương và giúp tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế. Tổ liên kết sản xuất chè an toàn đã tăng cường quản lý, giám sát, giám sát lẫn nhau trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không sử dụng vật tư ngoài danh mục quy định, nhất là thuốc trừ cỏ đồng thời chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên chất lượng chè nâng cao, đảm bảo an toàn. Khâu kiểm soát vật tư chặt chẽ nên đã giảm dịch bệnh phát sinh gây hại cho cây chè, đất tơi xốp, người sản xuất có sức khỏe tốt hơn, đặc biệt hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Quan tâm tập huấn cho các hộ ngoài mô hình, trong ba năm qua đã có 48 hộ trong xã, vùng lân cận nhân rộng áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn hiệu quả với diện tích 51 ha. 

Hiệu quả của Dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019” đã cho nhiều kinh nghiệm quý về việc chọn hộ; chọn điểm; phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn kết quả với trách nhiệm cá nhân và chú trọng "cầm tay chỉ việc” cho nông dân; nghiêm túc thực hiện tiến bộ kỹ thuật theo quy trình; ký hợp đồng với đơn vị thu mua sản phẩm chè búp tươi để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. 

Đặc biệt, việc thành lập và duy trì hoạt động của các tổ liên kết sản xuất chè an toàn giúp các thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, đồng thời là đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.  

Nguyễn Thơm