Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở Thanh Lương: Liên kết chặt, giá trị tăng

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2020 | 7:51:42 AM

YênBái - Nếu như năm 2015 thu nhập trên 1 ha đất canh tác của xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ đạt 70 triệu đồng thì đến năm 2020 đạt 120 triệu đồng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hai vụ lúa đã đem lại kết quả này cho Thanh Lương.

Mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xã Thanh Lương.
Mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xã Thanh Lương.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH GOV có địa chỉ tại xã Kinh Kệ, Khu công nghiệp Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với xã Thanh Lương triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu với diện tích 0,7 ha của 7 hộ dân tại các thôn: Bản Khinh, Đồng Lơi, Bản Lý. 

Công ty đã ký hợp đồng cam kết hỗ trợ, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn thường xuyên về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. 

Qua thời gian chăm sóc và phát triển cho thấy cây ớt phù hợp với đồng đất nơi đây, ít sâu bệnh, chùm ớt sai và quả to, dài, chất lượng cao. Từ khi trồng và chăm sóc khoảng 75 - 80 ngày cây ớt đã bắt đầu cho thu hoạch trong thời gian 55 - 70 ngày tiếp theo, định kỳ thu hoạch 10 ngày 1 lứa. 

Gia đình anh Đinh Văn Hoa ở thôn Bản Khinh là một trong những hộ tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu, bắt đầu trồng từ tháng  12/2019 với diện tích 2.000 m2, thu hoạch từ tháng 3/2020, đến nay được 5.500 kg, bán 6.500 đồng/kg, thu được trên 35 triệu đồng, dự kiến còn thu hoạch được 6.000 kg quả nữa, tức gấp 4 lần so với trồng lúa.

Những ngày này, nhiều hộ nông dân của xã đã bước vào thu hoạch lúa chiêm xuân sớm song gia đình bà Hà Thị Lưu - bản Khá Thượng cùng với các gia đình trong thôn đang bước vào mùa thu hoạch rộ dưa lê và dưa hấu. 

Theo bà Lưu, dưa lê là loại cây có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất, nhiều vụ, có thời gian sinh trưởng ngắn, cây khỏe, chống chịu bệnh tốt. Trồng ở đây thấy quả đều và đẹp, khi chín có màu trắng ngà, thịt quả giòn ngon và rất ngọt. 

Gia đình thực hiện tốt các khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Do đó, dưa lúc nào cũng đạt chất lượng tốt. Dưa hiện bán từ 10 - 20 nghìn đồng/kg. Đây cũng là vụ thứ 6 gia đình bà trồng dưa lê trên đất 2 vụ lúa với diện tích 3.000 m2, đem lại thu nhập 60 triệu đồng mỗi vụ, gấp 6 lần so với trồng lúa. 

Chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu có giá trị kinh tế cao được xã đẩy mạnh từ năm 2016 và phát triển rộng khắp ở 6 thôn, bản trên địa bàn. 

Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích chuyển đổi là 21,4 ha/162,74 ha tổng số diện tích đất 2 vụ lúa; trong đó: diện tích trồng dưa hấu là 11,1 ha, năng suất đạt 25 tấn/ha/vụ; dưa lê 1,97 ha, năng suất đạt 25 tấn/ha/vụ; ớt 0,7 ha, còn lại là trồng mía tím và 1 số loại rau màu khác. 

Các sản phẩm hoa màu của nhân dân xã Thanh Lương được khách hàng ở nhiều địa phương ưa chuộng. Đến mùa thu hoạch, thương lái ở khắp nơi như: thành phố Yên Bái, Hà Nội, Lào Cai, các địa phương lân cận… đến tận ruộng thu mua cho bà con với giá cả ổn định. 

Với phương châm: "Nông dân canh tác sản xuất, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ và liên kết với các công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm”, các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu cho thu nhập cao ngày càng phát triển hiệu quả ở xã. 

Nhiều giống củ, quả, rau màu đặc sản đã được nông dân Thanh Lương mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cũng như thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa thị trường và xuất khẩu. Trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Đảng bộ xã Thanh Lương cũng đề ra mục tiêu phấn đấu thu nhập trên ha canh tác đạt 160 triệu đồng/năm và tiếp tục chuyển đổi 10 ha diện tích lúa sang trồng rau màu chất lượng, kinh tế cao.
Thu Hạnh