Tác nghiệp ở Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2020 | 11:09:52 AM

YênBái - Trong cuộc đời mỗi người làm báo đều có cho riêng mình những trải nghiệm nghề đặc biệt. Với riêng tôi, một phóng viên làm báo in của một tỉnh miền núi thì chuyến hải trình hơn 23 ngày đêm qua các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2019 là một trong những trải nghiệm nghề đặc biệt, đáng nhớ và mang dấu ấn sâu sắc nhất, không thể nào quên.

Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại Trường Sa.
Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại Trường Sa.

Những cái tên: Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam, Song Tử Tây…; rồi hình ảnh lá quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cột mốc chủ quyền tại các đảo giờ đây trở nên quen thuộc, thân thiết và nghẹn ngào xúc cảm mỗi khi nhớ về…

Phải khẳng định rằng, việc có mặt trong danh sách những nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tham gia chuyến công tác ra các tuyến đảo, thuộc quần đảo Trường Sa dịp cuối năm là niềm vinh dự rất lớn đối với cá nhân tôi cũng như các bạn đồng nghiệp. 

Nhà báo - Đại úy Trần Tuấn Sơn – Báo Quân đội Nhân dân tỏ rõ sự phấn chấn trước khi bước lên tàu ra Trường Sa: "Hồi hộp thật các bạn ạ! Trước nay, mình luôn mơ ước được một lần đến Trường Sa để hòa mình vào nhịp sống của những người lính hải quân, được tận mắt nhìn thấy vùng trời, vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hôm nay đứng đây, sắp đến giờ lên đường mà mình không sao cầm lòng được. Chỉ mong nhanh chóng được rẽ sóng vươn khơi. Quả là tuyệt vời!”.

Đã xác định từ trước, cuối năm là mùa biển động, sóng lớn, thật vậy, suốt dọc hành trình, cánh nhà báo chúng tôi thường xuyên lao đao với những con sóng cấp 4, cấp 5; những ngày giữa hải trình, sóng có hôm lên tới cấp 6, đánh cao trùm sàn tàu. 

Thường thì mất 2 đến 3 ngày mới có thể tạm quen với những cơn say sóng buốt ruột, chúng tôi tự tìm cho mình cách sinh hoạt, di chuyển hiệu quả nhất để tác nghiệp. Tham gia hải trình hơn 23 ngày, sống và sinh hoạt trong môi trường quân đội, nhà báo chúng tôi cũng tự gọi nhau là "lính”, tác nghiệp giữa biển khơi. 

Từ nếp ăn, nếp ngủ, đến nếp sinh hoạt đều phải răm rắp theo quy định của quân đội. Có lẽ nhờ sinh hoạt điều độ như vậy, chúng tôi nhanh chóng thoát khỏi sự bó buộc của những cơn say sóng, bảo đảm sức khỏe trong suốt quá trình tác nghiệp dài ngày trên biển. 

Nữ phóng viên Ngọc Ánh – Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa là một trong số ít phóng viên nữ "dám” đi biển chuyến dài ngày và dữ dội nhất trong năm này. 

Chị chia sẻ: "Thực ra nữ hay nam không quan trọng, nếu bạn đủ sức khỏe, đủ tinh thần chiến đấu, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cao hơn nữa là bạn yêu nghề, sẵn sàng cống hiến cho nghề thì việc những nhà báo nữ đi tác nghiệp ở Trường Sa là điều dễ hiểu. Bản thân tôi, đây là lần thứ 3 được đi Trường Sa, nhưng lần nào cũng như lần đầu vậy, cảm xúc lâng lâng tự hào vẫn vẹn nguyên, háo hức làm nghề vẫn như mới”.

Tàu đến đảo thường phải neo ngoài xa, các nhà báo được chia thành những nhóm nhỏ 6 – 12 người theo xuồng vào đảo. Nhà báo được ưu tiên lên đảo trước và ra về sau cùng để có nhiều thời gian tác nghiệp. 

Với nhà báo, phương tiện tác nghiệp như máy ảnh, máy quay, điện thoại di động quý như vàng. Bởi vậy, mặc cho những đợt sóng lớn vỗ trùm lên xuồng, cả người ướt nhẹp, thì "vàng” vẫn phải được bọc kỹ trong túi quân dụng chống thấm, ôm khư khư trong lòng. 

Do hải trình phải trải qua nhiều đảo chìm, đảo nổi nên thời gian mỗi lần tàu vào thăm các đảo thường rất ngắn, với đảo chìm chỉ kéo dài khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ, còn đảo nổi thì nhiều thời gian hơn, thường là 1 ngày 1 đêm, nên cánh nhà báo quả thực là lực lượng vất vả nhất khi phải tranh thủ tối đa thời gian có thể, kể cả giờ nghỉ, giờ ăn để tác nghiệp, lấy tư liệu. Vất vả là thế, nhưng ai ai cũng bảo nhau: "Quý lắm những cơ hội được làm lính tác nghiệp ở Trường Sa”.

Tác nghiệp ở Trường Sa, ngoài phát hiện đề tài mới lạ thì làm sao ghi lại được những tấm ảnh, những cảnh quay đầu tiên, "không đụng hàng”, những khoảnh khắc sống động, độc đáo là cả một vấn đề lớn. Cường độ làm việc luôn được đẩy lên cao nhất, không có thời gian dành cho nghỉ ngơi vì mỗi phút giây trên đảo đều rất đáng quý, không dễ có lại được. 

Chẳng thế mà, ngày cuối cùng được lưu lại ở đảo Nam Yết, trời đã sẩm tối, nhóm phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí vẫn miệt mài bên cột mốc chủ quyền đã nhuốm màu thời gian và phủ đầy rêu phong – đây là cột mốc cũ, được dựng lên từ nhiều chục năm trước và được xem là một trong những bằng chứng lịch sử đanh thép khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Kẻng báo giờ cơm, anh em nhà báo vẫn chưa muốn về - đó cũng là việc nhiều lần diễn ra trên các đảo khi cánh nhà báo rơi vào cơn "say nghề”. 

Nữ nhà báo Kim Miên – Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương tâm sự: "Việc tác nghiệp giữa biển cực kỳ khó khăn, để có những góc máy đẹp, những khoảnh khắc đẹp và chân thực thì phải chịu khó. Chứng kiến hình ảnh đồng nghiệp miệt mài tác nghiệp, tôi chợt nhận ra họ đều giống nhau ở chỗ luôn xông pha mọi lúc, mọi nơi để quay phim, chụp ảnh, ghi lại được thật nhiều hoạt động của bộ đội, người dân. Chính trong không khí lao động như vậy, ai ai cũng thấy hăng hái làm việc mà quên đi mệt mỏi thường ngày”... 



Các nhà báo cùng chiến sĩ hải quân giao lưu văn nghệ. 

Không còn quần áo phẳng phiu, "đóng hộp” mà thay vào đó là quần ống cao, ống thấp, ướt nhèm vì sóng táp, lưng áo thì đầm đìa mồ hôi dưới cái nắng gay gắt của Trường Sa. Ấn tượng rõ nét nhất, sâu sắc nhất là những tấm lưng của những người làm nghề báo. Tấm lưng cong người tìm cách giữ thăng bằng khi chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn; tấm lưng ướt nhẹp vì sóng biển mà vẫn ôm trọn công cụ tác nghiệp; tấm lưng ướt đẫm mồ hôi bởi cái nắng như rang giữa biển, giữa đảo, mải mê tác nghiệp và cả những tấm lưng ôm chầm, siết chặt vòng tay mỗi khi chia ly, nói lời tạm biệt với đảo để trở về tàu, về với đất liền… 

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm "được” nhà báo Thanh Sơn - Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai đánh thức dậy từ 4 giờ sáng trên đảo Nam Yết chỉ để ra biển đợi quay cảnh bình minh lên trên biển. Vốn là anh em cùng công tác tại các tỉnh miền núi nên hai chúng tôi thường xuyên cộng tác, hỗ trợ nhau trong suốt hành trình. 

Hôm ấy, đứng trước cảnh mặt trời dần dần "trồi” lên trên biển, tôi mới thực sự cảm nhận được sự kỳ diệu, vẻ đẹp của tự nhiên, thực sự thấm thía sự nhỏ bé của con người khi đứng trước bao la biển trời. Có lẽ cảm giác ấy không nhiều người có được. Ngay từ giây phút ấy, hình ảnh của những hòn đảo thân thương, máu thịt với đất liền, hay hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa - những cột mốc sống giữa trùng khơi bỗng chốc trở nên thân thương hơn bao giờ hết, cho đến tận bây giờ. 

Ở Trường Sa, được thâm nhập thực tế, chúng tôi cảm nhận được ý thức bảo vệ chủ quyền và hiểu được tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây với biển đảo quê hương. Quả thực, nếu không được đến Trường Sa, không được hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ, không được trực tiếp gặp những con người ngày đêm quên mình bám biển, bám đảo nơi đầu sóng, ngọn gió thì không bao giờ chúng tôi có thể cảm nhận được hết sự hy sinh của bộ đội hải quân, không bao giờ chúng tôi có thể hình dung được công sức lớn lao mà họ đã đóng góp, cống hiến vì sự bình yên của Tổ quốc, vì độc lập chủ quyền biển, đảo quê hương. 

Trong vô vàn những chuyến đi suốt cuộc đời làm báo, rất nhiều nhà báo đã mơ ước hải trình đến với Trường Sa, coi đó là một vinh dự, một niềm tự hào lớn, là chuyến đi "đặc biệt” của cuộc đời. Cái tên "Trường Sa” trong chúng tôi giờ đây đã trở nên thân quen và gần gũi biết nhường nào. 

Trở về đất liền, hơn 10 ký sự, phóng sự, nhóm ảnh về Trường Sa sau chuyến hải trình là những hình ảnh, bài viết, lời bình chân thực nhất, sống động nhất của riêng cá nhân tôi dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. 

Dẫu rằng đó chưa phải là tất cả và chưa lột tả hết cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của bộ đội hải quân và nhân dân nơi đảo xa, nhưng đó là tấm chân tình, là những tình cảm, sự trân quí của chúng tôi - những nhà báo dành cho họ - những chiến binh quả cảm nơi hải đảo.

Tạm biệt Trường Sa - hai tiếng yêu thương mãi khắc ghi trong tâm khảm các nhà báo chúng tôi. Hẹn một dịp không xa chúng tôi sẽ trở lại; thủy chung, son sắt như chúng ta mãi mãi ở trong tâm trí của nhau!

Thiên Cầm