Dưa lê… "nghe" nhạc trong nhà kính

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2020 | 10:59:40 AM

YênBái - Một đôi loa thùng được treo trên cao trong nhà kính! Bản nhạc không lời tựa như một vòng tay nõn nà ôm ấp cả vườn dưa bằng một sự quyến rũ ngọt ngào. Trang trại có những quả dưa lê biết "nghe" nhạc cổ điển đang hiện hữu ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Khu nhà kính trồng dưa lê Hàn Quốc.
Khu nhà kính trồng dưa lê Hàn Quốc.

Tươi ngời những tia nắng nhảy múa vờn cây lá khi cơn mưa dứt tạnh. Như đã hẹn, Lục Vân Anh đón tôi đến "Sáu không farm”, nôm na gọi là trang trại "Sáu không”. Hệt tên con gái nhưng chàng trai này có gương mặt nam tính, đôi mắt hiền. Chút cảm nhận đầu tiên ấy vừa vặn thời gian đặt chân tới trang trại của em ở tổ dân phố 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Oa, một không gian thoáng đãng, xanh mát bao trùm và không gì ngăn nổi sự sung sướng tận hưởng, khoan khoái vô cùng! Từ ngôi nhà sàn trông qua một chiếc ao, nhà kính rộng 2.000 m2 trồng dưa lê Hàn Quốc nổi bật bởi sự khác biệt, nét hiện đại so với những ruộng lúa, mảnh vườn xung quanh. "Các bạn trẻ nói mô hình nhà kính của em rất hot trend và sang chảnh, quả không sai!” - tôi vẫn chưa thể rời mắt khỏi những mái khum cong cong mềm mại màu trắng hài hòa của nhà kính. 

Vân Anh nhẹ nhàng: "Cũng có vài mô hình nhà kính như thế này ở Lục Yên chị ạ. Có điều là khu này của em hiện tại quy mô lớn hơn cả”. 

Câu chuyện cứ vậy dắt díu theo nhau về những tháng ngày đã qua của em, về những ngã rẽ bất ngờ trên đường đời để có em của hôm nay. Dài thì cũng thật dài, nhanh thì cũng thật nhanh, bước ngoặt đáng nói nhất là cách đây tròn hai năm, khi chuyển công tác về Lục Yên thì ý định trồng rau sạch manh nha trước đó càng thôi thúc em hơn lúc nào hết. 

Thuận nhất là 2 ha đất nhà bà nội sẵn đây, tha hồ bay nhảy, vẫy vùng thỏa sức. Thuận thêm là công việc của em lâu nay vốn thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm tích lũy. Thuận nữa là xu thế sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển, cớ sao mà phải ngại ngần.

 Tưởng đâu mọi bề thuận lợi tuốt luốt nhưng bố mẹ, người thân trong gia đình đều ngăn cản: "Lý do của mọi người là sợ em vất vả, đơn giản chỉ vậy. Em thích công việc đó nên cũng chỉ nói đơn giản là sẽ cố gắng, mọi người hãy tin tưởng và đừng lo lắng!” - Vân Anh kể. 

Chính thức Vân Anh trồng rau lứa đầu tiên trong nhà lưới từ tháng Tám năm 2018. Vốn - khó bởi chỉ có chút tiền tiết kiệm của những năm đi làm. Công - khó bởi chủ yếu một mình tự làm dù cô chú giúp chút chút. 2.000 m2 nhà lưới, em trồng toàn rau ăn lá như cải ngọt, bắp cải, rau muống, mồng tơi… theo quy trình an toàn "6 không” là: không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng giống biến đổi gen, không canh tác trên đất có nguồn nước ô nhiễm, không sử dụng phân hóa học, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng. Chẳng đợi đến khi rau bời bời lên xanh trong nhà lưới, em đã tự giới thiệu quy trình sản xuất an toàn và rau sạch qua facebook, zalo… 

Cuối tuần, nhiều gia đình ở thị trấn đưa con tới xem nhà lưới, tham quan mô hình cũng giúp em quảng bá hết sức khách quan và hiệu quả. Sản phẩm rau sạch được em bán trực tiếp tại vườn, ship miễn phí quanh thị trấn nên vèo vèo hết mỗi ngày. Một năm thành công không nhỏ, rau sạch cứ thế trồng gối vụ trong nhà lưới cho Vân Anh lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng: "Vui nhất là mọi người đã tin em!”.

Không dừng lại, Vân Anh chuyển hướng mới. Cuối năm 2019, chuyển từ nhà lưới thành nhà kính và đến tháng Hai năm 2020, toàn bộ diện tích trồng rau được em thay thế bằng dưa lê Hàn Quốc. "Hai sự thay đổi khác hoàn toàn với thành công trước đó, vì sao vậy?” - tôi tò mò. 

Em giải thích thế này: "Thứ nhất, thay đổi rau sang dưa để thử nghiệm giống mới, điều hòa dinh dưỡng. Thứ hai, thay đổi nhà lưới sang nhà kính để hạn chế sâu bệnh cũng như không phụ thuộc thời tiết. Em cũng không bỏ rau mà là làm mới một nhà lưới khác”. 

Tất nhiên, quyết định lựa chọn thử nghiệm giống mới cũng trên cơ sở em đã nghiên cứu thị trường tiêu thụ. Công sức, tiền của lại cùng nhau dồn hết vào thử nghiệm mới một cách tràn trề hứng khởi. Hơn 600 triệu đồng đổ vào 2.000 m2 trồng dưa lê trong nhà kính mang dáng vẻ hiện đại, sang chảnh và hot trend kia chứ đâu có ít! Tính ra, cứ 1.000 m2 nhà kính cần kinh phí đầu tư ban đầu gấp 12 lần so với nhà lưới. 

Với dưa lê, Vân Anh tự lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thay cho hệ thống tưới phun xoay của trồng rau. Hệ thống mái nhà kính có thể mở ra bằng cách kéo tay thủ công khi cần thiết. Hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm điện giúp dưa quang hợp tốt hơn trong điều kiện trời thiếu nắng. 

Theo bước em vào trong nhà kính, những luống dưa lê được trồng gối lứa, chỗ đang ra hoa, luống bắt đầu đậu quả, nào quả xanh, rồi cả quả chín… Những chú ong bay qua bay lại, xoay vòng xoay vòng bên những bông hoa. Tôi ngạc nhiên: "Ơ này, sao ong lại vào được nhà kính?”. 

Vân Anh giải thích luôn: "Ong em nuôi đấy chị! Ong giúp cho việc thụ phấn của dưa tốt hơn nhiều so với con người. Đó là một yếu tố mà tự nhiên luôn vượt trội so với sự tác động của con người nên mình phải tận dụng triệt để và điều tiết hài hòa”. 

Nhìn cách mà Vân Anh nâng niu từng tay dưa mới hiểu tình yêu của em đối với công việc này. Ngày nào cũng như ngày nào, em thăm vườn, thăm cây để có sự tác động tốt nhất cho quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa. Không gian trong nhà kính dường như còn có một điều gì đó rất lạ… Hình như có tiếng nhạc êm ái trong vòng xoay của ong bên hoa say đắm? Hình như có điệu nhạc du dương trong dập dìu của những tay dưa vấn vít? Vân Anh cười: "Chị nhìn kia…”. 

Ồ, một đôi loa thùng được treo trên cao trong nhà kính! Bản nhạc không lời tựa như một vòng tay nõn nà ôm ấp cả vườn dưa bằng một sự quyến rũ ngọt ngào. 

"Em tham khảo trên mạng Internet thấy có những trang trại trồng dưa lê ở Nhật Bản, Hàn Quốc và ở Việt Nam hàng ngày mở nhạc cổ điển không lời cho dưa nghe nên cũng làm theo. Vườn dưa được nghe nhạc vào lúc 6 giờ 30 phút đến 8 giờ sáng, chiều từ 16 giờ đến 17 giờ. Qua theo dõi, em thấy dưa lớn nhanh hơn khi được nghe nhạc mỗi ngày” là điều hết sức thú vị trong câu chuyện của Vân Anh. 

Em còn áp dụng kỹ thuật như ở Nhật Bản là giữ nhánh cháu để tạo quả to hơn, đẹp hơn, ngọt hơn và mỗi dây chỉ giữ đúng hai quả. Yếu tố quyết định sự thành bại phụ thuộc vào kỹ thuật mà kỹ thuật hoàn toàn do con người làm chủ, Vân Anh hiểu quá rõ điều này.

Vỏ dưa đượm vàng như màu mật ong sau gần hai tháng rưỡi góp gom dưỡng chất cũng là thời điểm Vân Anh thu hoạch lứa đầu. Những quả dưa kẻ sọc trắng vàng tỏa ra mùi thơm dìu dịu, nhè nhẹ với thịt dày, màu trắng ngà, giòn, ngọt. 

Dáng thuôn ô van nặng tay mỗi quả dưa độ sáu, bảy lạng. Đã có một mối hàng Hà Nội sẵn sàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo khả năng cung ứng của em. Thậm chí nhiều người đã đặt mua lẻ qua mạng từ khi em bắt đầu trồng dưa. 

Bà Lục Thị Sao - bác ruột Vân Anh bữa nay tan chợ sớm, ngồi trên bậc cầu thang lên tiếng: "Ấy, tôi bảo cháu nó đấy, thế có quả ngon, quả ngọt, quả sạch là lại định mang đi tận đâu thì sao dân mình ở đây được thưởng thức… Không được, không được, phải xem lại xem sao chứ!”. 



Lục Vân Anh kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của vườn dưa hàng ngày.  

Ôi chao, suy nghĩ của một người phụ nữ dân tộc Tày ngoài sáu mươi tuổi thật đáng để cho người cháu trai cân nhắc! Vụ này, bán lẻ với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, ước tính em có lãi từ 40 - 50 triệu đồng. So sánh lợi nhuận trồng dưa so với trồng rau thì cao hơn khoảng 20% và trồng trong nhà kính cho lợi nhuận cao hơn so với nhà lưới độ khoảng 20%. Dưa được gối vụ, giá bán ổn định như thế, thị trường cũng ổn định như vậy, mỗi năm Vân Anh có thể lãi tới hơn 200 triệu đồng. 

Đi giữa vườn dưa, trong tiếng nhạc, em chia sẻ thêm về dự định còn đang ấp ủ. Ngay phía sau nhà kính này là một nhà lưới trồng rau rộng 1.000 m2 đang hình thành. Cuối năm nay, em cũng sẽ xây dựng thêm một nhà kính 2.000 m2 để tiếp tục thử nghiệm nhiều giống dưa khác nhằm đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường. Xa hơn, Vân Anh mơ về một khu sinh thái nông nghiệp - nơi các em nhỏ có thể tới tham quan, tìm hiểu và thực hành nông nghiệp. Em cũng mong được tiếp cận một nguồn vốn vay ưu đãi. Bao nhiêu dự định tương lai ấy là một chữ "duyên” của Vân Anh với công việc hiện tại. 

Chữ "duyên” ấy tốt đẹp từng ngày khi có niềm đam mê của Vân Anh với công việc: "Chỉ có đam mê mới có thể nuôi dưỡng sự phát triển bền vững”. Chiều dần buông, ánh điện trong nhà kính lung linh hơn bên bờ ao lóng lánh ánh nước. Thưởng thức dưa lê thơm ngọt, tận hưởng gió trời quạt hầu, bập bùng tiếng đàn ghi ta của Vân Anh, ngỡ mình ở một resort xanh nghỉ dưỡng…

Nguyễn Thơm