Yên Bái nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2020 | 7:55:27 AM

YênBái - Nước ta bước vào thời kỳ “dân số vàng" từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Trước những khó khăn, thách thức mới đặt ra, để tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đạt được, tỉnh Yên Bái đang triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (NQ21) về công tác dân số trong tình hình mới.

Yên Bái đang phải thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa phải nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, đưa mức sinh của toàn tỉnh về mức sinh thay thế, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng DS. (Ảnh: Thủy Thanh)
Yên Bái đang phải thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa phải nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, đưa mức sinh của toàn tỉnh về mức sinh thay thế, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng DS. (Ảnh: Thủy Thanh)

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Lộc - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh về vấn đề này.

P.V: Yên Bái đang thực hiện mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách DS từ DS/KHHGĐ sang DS và phát triển. Đặt nhiệm vụ này trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xin đồng chí cho biết những kết quả mà tỉnh đã đạt được và giải pháp nào để nâng cao chất lượng DS trong giai đoạn hiện nay?

Đồng chí Lê Quang Lộc: NQ21 về công tác DS trong tình hình mới được tỉnh xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Công tác DS/KHHGĐ giai đoạn trước đây chúng ta tập trung vào nhiệm vụ KHHGĐ, mục tiêu chủ yếu là giảm sinh và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng làm ổn định quy mô DS góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 

NQ21 đó là chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển với 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế;  đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS "vàng”; thích ứng với già hóa DS; phân bổ DS hợp lý và nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. 

Kết quả thể hiện ở nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS đã có những chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt gần 70%; hoàn thành mục tiêu giảm sinh hàng năm 0,1 đến 0,2%o, tỷ lệ phát triển DS tự nhiên hàng năm đạt chỉ tiêu đề ra; đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2 điểm phần trăm hàng năm; chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân; các chương trình sàng lọc trước sinh, sau sinh, khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…, được quan tâm triển khai thực hiện. Chất lượng DS về thể chất, tinh thần từng bước được nâng lên.

Để nâng cao chất lượng DS trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đặt ra là tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với công tác DS. Các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình DS/KHHGĐ cần được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và kế hoạch của ban, ngành, đoàn thể. 

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về DS; bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác DS; nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu về số người sử dụng các biện pháp KHHGĐ, nhằm đưa mức sinh về mức sinh thay thế và giảm nhanh tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên... 

Từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành DS, đảm bảo ít nhất 95% DS được quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành trên quy mô toàn tỉnh để trở thành dữ liệu dùng chung, thực hiện hiệu quả NQ21 về công tác DS trong tình hình mới. 

P.V: DS là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành DS Yên Bái thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quang Lộc: Theo kết quả tổng điều tra DS năm 2019, tỉnh Yên Bái nằm trong 33 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước (2,74 con/1 phụ nữ). Trên cơ sở 6 nhiệm vụ của công tác DS trong thời gian tới mà NQ21 đã đề ra, Yên Bái đang phải thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa phải nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, đưa mức sinh của toàn tỉnh về mức sinh thay thế, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng DS. 

Với đặc thù là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố dân cư không đồng đều; trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu còn thấp, phong tục tập quán đa dạng, còn nhiều hủ tục lạc hậu; nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng cao về công tác DS còn hạn chế, mức sinh còn rất cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trở lên khó kiểm soát; việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng DS như sàng lọc trước sinh, sau sinh; khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…, chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Nhiệm vụ tới đây, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm; chương trình, đề án về DS/KHHGĐ của tỉnh phù hợp với tình hình DS của tỉnh. 

Tham mưu và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất quản lý về quy mô DS, cơ cấu DS và chất lượng DS; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực DS. 

Đặc biệt, Yên Bái hiện có 80 xã vùng III, có 2 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, vì vậy cần tham mưu để trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định phê duyệt Đề án về công tác DS/KHHGĐ tại 80 xã vùng III, nhằm đưa nhanh mức sinh còn rất cao của tỉnh về mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng DS.  

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!      

Minh Thúy (thực hiện)