Tiền đề từ tái cơ cấu nông nghiệp ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2020 | 7:38:01 AM

YênBái - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã hình thành phát triển vùng sản xuất hàng hóa, có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị…

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hồ cho thu nhập cao.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hồ cho thu nhập cao.


Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long sai trĩu quả, chín đỏ rực, ông Nguyễn Ngọc Hồ ở thôn Đức Quân, xã Minh Quân cho biết: "Năm 2015, gia đình mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Hiện, gia đình có 120 gốc thanh long ruột đỏ, trung bình mỗi gốc thu 10 kg quả với giá bán 20.000 đồng/kg. Từ trồng thanh long, mỗi năm, gia đình tôi "bỏ túi” 70  triệu đồng”. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Quân Đặng Văn Khoa cho hay, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Hồ là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới tại địa phương mang lại thu nhập cao. 

Đến nay, trên địa bàn xã có 30 hộ trồng thanh long ruột đỏ với diện tích khoảng 15 ha, cho sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đang xuất hiện ở khắp các vùng quê Trấn Yên. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên Triệu Thị Bích Liệu cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trấn Yên đã thực hiện tốt các chương trình, đề án, đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Huyện đã triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, quy hoạch nông thôn mới gắn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ. 

Trong đó, Trấn Yên thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế của huyện, lựa chọn và xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp và có hiệu quả trong sản xuất, tổ chức vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: tre măng Bát độ, quế, cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm. 

Nhờ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đến nay, Trấn Yên hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao, như: vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, sản lượng 70 nghìn tấn; vùng quế 16.000 ha; vùng trồng dâu trên 900 ha với sản lượng kén tằm đạt trên 1.000 tấn; vùng trồng cây ăn quả có múi 762 ha, sản lượng quả có múi 2.000 tấn. 

Đặc biệt, từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, Trấn Yên đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 

Trong 5 năm, Trấn Yên hỗ trợ phát triển mới 402 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, đến nay, toàn huyện có 618 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; sử dụng có hiệu quả 430 ha ao hồ, chuyển đổi 65,8 ha đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá. 

Nhờ đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 9.000 tấn, tăng 47% so với năm 2015, vượt 15% so với nghị quyết đề ra. Kinh tế lâm nghiệp đã bứt phá ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hàng năm, toàn huyện khai thác trồng mới bổ sung trên 2.000 ha rừng, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng 70%, đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. 

Thành công nổi bật của nhiệm kỳ qua là Trấn Yên đã xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đó là chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ; liên kết phát triển trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm; chuỗi liên kết phát triển chăn nuôi gà thương phẩm; chuỗi sản xuất quế hữu cơ; xây dựng làng nghề trồng và chế biến chè chất lượng cao tại thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng; làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đình Xây, xã Báo Đáp. 

Nhiều sản phẩm nổi tiếng của Trấn Yên được xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP như: măng Bát độ, chè Bát Tiên, quế, sản phẩm quả có múi, rau an toàn, gà thương phẩm, mật ong, sản phẩm đồ uống… Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của huyện. 

Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 38,3% so với năm 2015, bằng 112,5% so với mục tiêu nghị quyết, tốc độ tăng bình quân đạt 6,7%/năm. Những nỗ lực đó góp phần quan trọng đưa Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc.

Trong 5 năm tới, huyện Trấn Yên đề ra mục tiêu thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. 

Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung là thế mạnh của huyện; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực của huyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, phấn đấu có từ 2-3 sản phẩm nông nghiệp của huyện xuất khẩu ra nước ngoài. 

Trấn Yên sẽ triển khai hiệu quả Chương trình "mỗi xã một sản phẩm”, đến năm 2025, Trấn Yên có từ 7 sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; thực hiện dồn điền, đổi thửa để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại công trồng đem lại giá trị, hiệu quả cao…

Văn Thông