Dân vận không ngừng nghỉ - Bài 1: Mỗi lĩnh vực dân vận là một cuộc cách mạng

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/8/2020 | 11:12:48 AM

YênBái - "Mỗi lĩnh vực dân vận ở Trạm Tấu là một cuộc cách mạng”. Đó là đúc kết từ thực tiễn công tác dân vận của anh Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy người Mông trên vùng cao Huyện ủy Trạm Tấu. Và thực tiễn?

Cán bộ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc.
Cán bộ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc.

Từ thực trạng một huyện vùng cao với đại đa số đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí thấp, lối sống thiên về tập quán, luật tục, nạn nghiện hút thuốc phiện, hủ tục nặng nề, thiếu đói kinh niên nhưng huyện Trạm Tấu đã tạo được bứt phá ngoạn mục về kinh tế - xã hội.

Niềm tin của đồng bào các dân tộc nơi đây với Đảng ngày càng thêm son sắt. Tạo nên thành tựu ấy có phần đóng góp rất lớn từ công tác dân vận của Đảng.

Anh Giàng A Thào là người Mông sinh ra ở Trạm Tấu và trưởng thành từ một cán bộ xã, rồi làm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và hiện là Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu - người rất giàu kinh nghiệm trong công tác dân vận đã nhận định: "Mỗi lĩnh vực dân vận ở Trạm Tấu là một cuộc cách mạng”.

Những trải lòng của Bí thư Giàng A Thào và anh em cán bộ ở Trạm Tấu cùng những chuyến đi thực tế ở cơ sở đã giúp tôi sáng tỏ hơn, vì sao mỗi lĩnh vực dân vận ở đây lại được ví như một cuộc cách mạng. 

Đó là bởi, những cuộc cách mạng này được diễn ra trong một bối cảnh hết sức khó khăn của một địa phương có địa hình núi cao cắt xẻ, giao thông cách trở, dân trí thấp, cư trú phân tán, đời sống kinh tế muôn vàn khó khăn, lực lượng cán bộ làm công tác dân vận kinh nghiệm còn ít, nhất là cán bộ xã trước đây nhiều người chưa đọc thông viết thạo... Mỗi cuộc cách mạng về công tác dân vận thường được tiến hành liên tục trong thời gian kéo dài có khi đến hàng chục năm. 

Đồng thời, phải huy động tổng lực, xây dựng thế trận của cả hệ thống chính trị và nhân dân bằng nhiều giải pháp, chính sách trong công tác dân vận. Đích đến của mỗi lĩnh vực dân vận đều đã tạo được sự thay đổi được căn bản những bất cập, trì trệ cố hữu ở cơ sở để bắt nhịp vào công cuộc đổi mới của đất nước... 

Một trong những cuộc cách mạng được xác định là gian nan nhất suốt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đó là cuộc vận động đồng bào Mông thực hiện công tác "ba bỏ” đối với cây thuốc phiện (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ tàng trữ và mua bán các chất ma túy). Sở dĩ, đây được coi là cuộc cách mạng gian nan nhất, là bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác ba bỏ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng nó lại "đối lập” với vấn đề được coi như "lợi ích truyền thống” của đồng bào Mông từ bao đời nay. 

Đó là việc người Mông luôn coi thuốc phiện là thứ hàng hóa kiếm được nhiều tiền nhất, trao đổi được những tài sản có giá trị lớn như trâu, bò, bạc trắng. Đồng thời, thuốc phiện còn là thứ vật chất không thể thiếu mà đồng bào Mông gọi là để "làm lý, làm luật” trong đám ma, đám cưới. Nghĩa là, gia đình nào có đám ma hay đám cưới đều phải có sẵn một bàn thuốc phiện để mọi người đến dự sẽ hút thuốc phiện giống như đồng bào miền xuôi hút thuốc lào, thuốc lá, ăn trầu... 

Thêm nữa, trồng thuốc phiện còn là việc gần như bắt buộc để duy trì nhu cầu cho rất nhiều người đang nghiện hút thuốc phiện theo tập quán. Có những nhà có tới mấy người nghiện và cán bộ xã cũng không ít người mắc nghiện. Hệ quả là, nhiều năm liền, cuộc vận động "ba bỏ” luôn luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người dân.

Từng được tham gia công tác "ba bỏ” ở vùng cao mới thấy, cán bộ tỉnh, huyện về cơ sở để họp dân tuyên truyền tác hại của cây thuốc phiện, về công tác "ba bỏ” là điều hầu như không thể thực hiện nổi. Chỉ cần nghe nói có cán bộ về họp là nhiều chủ hộ, thậm chí có cả cán bộ xã lại tản lên làm ở các lán nương.

Cán bộ phá bỏ cây thuốc phiện ở vườn gần thì mùa sau bà con lại trồng ở nơi núi cao xa tít. Cán bộ tìm phá tiếp thì bà con trồng xâm canh thật xa sang đất tỉnh bạn mà ở nơi đó chưa thực hiện phá bỏ cây thuốc phiện. Cán bộ vừa rời khỏi nơi phá cây thuốc phiện thì dân lập tức gieo ngay lại. 

Hoặc là, dân đốt nương gieo hạt cải trước, gieo hạt thuốc phiện sau để cán bộ không phát hiện được đâu là mầm cải, đâu mầm thuốc phiện. Cán bộ, dân quân ở cơ sở, có nơi khi được yêu cầu dẫn đường cho đoàn công tác đi triệt phá cây thuốc phiện thì vì lo sợ người trong cộng đồng trả thù nên họ dẫn đường cho cán bộ huyện, tỉnh vòng vèo cả ngày trên núi mà không đưa đến nơi trồng thuốc phiện. 

Thậm chí, có người còn dẫn đường cho đoàn công tác đi vào nơi địa hình hiểm trở không thể vượt qua nổi. Không ít nơi trồng thuốc phiện, bà con người Mông còn đặt bẫy đá, bẫy gỗ, hầm chông... Công tác cai nghiện ma túy lúc bấy giờ được ví như "bắt cóc bỏ đĩa”. Số lượng người nghiện thuốc phiện được đưa về cai nghiện tại trung tâm huyện rất hạn chế và khó quản lý; kinh phí thiếu thốn để duy trì thường xuyên các đợt cai nghiện; người nghiện cai được cắt cơn trở về cộng đồng không ai quản lý nên hầu hết tiếp tục tái nghiện...

Song hành với cuộc vận động "ba bỏ”, công tác dân vận về dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng là một hành trình dài đầy gian nan. 

Từ xa xưa bà con người Mông vẫn sinh đẻ thuận theo tự nhiên chứ chẳng ai quan tâm chuyện đẻ nhiều đẻ ít. Thậm chí, họ quan niệm đẻ đông con là để có nhiều người làm nương làm ruộng; đẻ bằng được con trai để nối dõi và không ít người còn nghĩ đẻ nhiều để phòng khi "có đứa nó không ở với mình” - nghĩa là nếu có đứa chết đứa thì còn đứa khác để nuôi. Nạn tảo hôn là một tập quán từ lâu đời và kết hôn rất sớm khi các thiếu nữ mới chớm tuổi dậy thì. 

Đáng ngại nữa là tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Có lẽ, nhiều người sẽ không tin vào chuyện anh trai em gái trong một nhà lại trở thành thông gia với nhau, nhưng ở vùng cao lại là chuyện có thật. Người Mông quan niệm rằng, anh em trong nhà lấy nhau để không phải chia của (chia ruộng nương) cho họ nhà khác, còn của cải trong nhà chia cho nhau chỉ là "nước ruộng trên tràn xuống ruộng dưới”. 

Anh em ruột gả con cho nhau còn là để "trả nợ” theo quan niệm "nhà tôi có con gái gả cho anh thì mai này anh có con phải gả lại cho gia đình nhà chúng tôi”. Bên cạnh đó, việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn có nguyên nhân ngay từ chính những đôi trai gái, mà điều khó nhất là nếu gặp phải sự cản trở nào đó từ phía chính quyền hay gia đình thì những cặp đôi này dễ tìm đến cái chết... Tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày, hôn nhân cận huyết thống, đói nghèo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em không được chăm sóc y tế... chính là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giống nòi. 

Một cán bộ Huyện đội Trạm Tấu trước đây bày tỏ: ở các huyện khác mỗi năm tuyển quân khoảng 40 - 50 thanh niên là chuyện rất đơn giản. Tuy nhiên, với Trạm Tấu lại là một việc rất khó khăn, bởi vì ngoài những bất cập về tiêu chuẩn trình độ văn hóa thì lại vướng những tiêu chí khác như thiếu chiều cao, cân nặng, mắc các bệnh về mắt, phổi, sâu răng...

Các hủ tục cũng là lực cản lớn cho cuộc chiến chống đói nghèo ở vùng cao Trạm Tấu. Điển hình như tục thách cưới cao tới vài chục triệu đồng tiền mặt cùng sính lễ 3 đến 4 tạ lợn, nhiều rượu, gạo và ăn linh đình vài ngày khiến cho nhiều người cưới được vợ nhưng cả đời phải làm lụng vất vả để trả nợ. Ăn tết theo phong tục cổ truyền của người Mông kéo dài cả tháng cuối năm, gây tốn kém tiền của, thời gian và không tập trung được nhân lực cho sản xuất. 

Người chết không cho vào quan tài mà chỉ để trên một chiếc cáng rồi tổ chức tang lễ; để người chết 4 đến 5 ngày trong nhà là chuyện bình thường và thậm chí có người còn để tới 9 ngày; đám ma mổ rất nhiều gia súc, tiêu tốn tiền của; nhiều trường hợp chôn người chết gần nhà, chôn nơi đầu nguồn nước sinh hoạt; không chịu chôn  thành nghĩa địa chung... 

Nguyên nhân để người chết lâu ngày trong nhà là do thầy mo lựa chọn ngày tốt, giờ tốt mới được chôn hoặc gia chủ chờ họ hàng ở xa về dự lễ tang. Việc không cho người chết vào quan tài là do quan niệm, khi người chết còn ở trong nhà thì người thân lúc cúng tế phải thực hiện nghi thức bón cơm cho người chết. 

Để người chết trên cáng khiêng đi chôn, nghĩa là để cho người quá cố được ngồi trên lưng ngựa đi về với tổ tiên. 

Việc chôn chung một nghĩa địa dễ phạm phải những điều kiêng kỵ của bà con như: người chết trước chôn ở vị trí dưới chân người chết sau; người cao tuổi chôn phía dưới người ít tuổi... Ai làm trái những quan niệm truyền thống hay luật tục này thì rủi ro không chỉ đến với nhà đó mà nó còn ảnh hưởng đến cả dòng họ. Từ quan niệm ấy, người quyết định đến công việc tang lễ không phải là chủ nhà, mà do chính hai ông trưởng họ nội ngoại và thầy mo.

Thay đổi cung cách làm ăn cũ bằng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống mới, kỹ thuật mới đối với cây lúa, cây ngô cũng là việc vô cùng phức tạp, vì bà con ngại thay đổi tập quán sản xuất; chưa tin vào những thay đổi sẽ mang lại lợi ích kinh tế. 

Đồng thời, do nhận thức còn hạn chế nên bất cứ cái gì mà cán bộ tuyên truyền làm là bà con nghĩ ngay đó là làm cho cán bộ chứ không phải làm cho chính mình. Bởi thế, mới có chuyện cán bộ thí điểm cấy lúa xuân cho dân nhưng chính người có ruộng lại mang đồ ra ruộng cúng để cầu mong ma làm cho chết hết lúa của cán bộ. 

Lúa xuân cấy xuống thì tìm đủ mọi cách để phá hoại và phá hoại ngay cả khi mô hình điểm đã thành công và đang chờ ngày đánh giá kết quả. Nhà nước cấp cho ngô giống mới và làm mô hình thí điểm trồng vụ hè thu, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng mà dân cũng không trồng hoặc chỉ trồng chiếu lệ, quảng canh...

Bên cạnh thực trạng trên, công tác dân vận ở Trạm Tấu  hơn 20 năm trước còn gặp muôn vàn khó khăn ở những lĩnh vực như: tuyên truyền vận động cho phụ nữ có thai đến sinh đẻ ở cơ sở y tế; người ốm thay vì cúng ma thì phải đi viện để khám và điều trị; vận động nhân dân cho trẻ em được đi học và đi học đúng độ tuổi; vận động không thả rông gia súc và làm chuồng trại xa nhà ở; tuyên truyền vận động ăn ở hợp vệ sinh; vận động người nhiều đất canh tác san sẻ cho người ít đất... Mỗi lĩnh vực lại có những đặc thù khó khăn rất riêng và đòi hỏi lại phải có giải pháp dân vận phù hợp.

Hoàng Nhâm 
(Bài II: Thành quả từ công tác dân vận)