Phụ nữ Nghĩa Lộ nỗ lực vì môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2020 | 1:38:15 PM

Với mục tiêu thực hiện tối thiểu 110 mô hình để góp sức xây dựng tối thiểu 1.000 mô hình thu, gom rác thải trong năm 2020 của các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều cách làm góp phần chung tay thực hiện phong trào Phụ nữ Yên Bái với môi trường xanh - sạch - đẹp.

Mô hình “Ngôi nhà xanh” đang được triển khai hiệu quả ở nhiều cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.
Mô hình “Ngôi nhà xanh” đang được triển khai hiệu quả ở nhiều cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, yêu cầu của phong trào tới các chi hội và hội viên; ra quân thực hiện mô hình tại 14/14 cơ sở hội; đồng thời phân bổ số lượng xây dựng mô hình thu gom rác thải cho 14 cơ sở hội phụ nữ xã, phường theo tình hình thực tế tại từng địa phương, tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các xã, phường. 

Qua đó, phong trào được hưởng ứng sôi nổi với nhiều nội dung và mô hình mới. Điển hình là Mô hình "Ngôi nhà xanh” - là một khung lưới sắt có mái che, gồm ba ngăn để đựng rác từ giấy bìa, chai nhựa và kim loại, được đặt tại những vị trí trung tâm nơi cộng đồng dân cư. 

Hội Phụ nữ thị xã còn  tích cực tuyên truyền để hội viên và người dân tham gia thực hiện "Ngôi nhà xanh” với ý thức phân loại và tiết kiệm từ rác thải bởi rác thải từ đây còn được gom đi bán để gây quỹ chung của Hội. Hội Phụ nữ phường Tân An là đơn vị đã xây dựng được "Ngôi nhà xanh” hoạt động nề nếp, hiệu quả. Chị Trần Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân An cho biết: "Hội xây dựng Mô hình "Ngôi nhà xanh” đặt tại Trường TH&THCS Nguyễn Quang Bích, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2020 và nhận được sự tham gia tích cực của hội viên. 

Hàng tháng, các hội viên tập trung đồ phế thải tại nhà các chi hội trưởng phụ nữ, sau đó mang đến "Ngôi nhà xanh” để phân loại, khi đầy sẽ bán để bổ sung vào quỹ Hội. Hoạt động này góp phần chuyển biến nhận thức của hội viên đối với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường và hình thành thói quen phân loại rác - một thói quen rất tốt trong bảo vệ môi trường”.

Một mô hình hiệu quả nữa là bể chứa bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Bể chứa được đổ bê tông có nắp đậy để tránh ngấm và chảy nước ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, các cấp hội phụ nữ thị xã đã xây dựng được 33 bể chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. 

Chị Lường Thị Thiết - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Sơn cho biết: "Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động và xây dựng được 12 mô hình bể chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, kinh phí trên 3 triệu đồng. Các bể chứa được đặt ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn, không bị ngập lụt và được các hộ làm đồng tuân thủ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ vào bể chứa. Hội tiếp tục công tác tuyên truyền về việc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe con người từ việc vứt bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi để các hộ nông dân thực hiện tốt hơn nữa việc bỏ chúng vào bể chứa, đồng thời đẩy mạnh vận động người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường”.

Cùng đó, nhiều mô hình khác đang được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã tập trung triển khai thực hiện như: lò đốt rác mini; lu, bồn chứa rác thải sinh hoạt; sử dụng vật liệu tái chế… 

Phong trào Phụ nữ Yên Bái với môi trường xanh - sạch - đẹp được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ phát động từ đầu tháng 8/2020, đến nay đã thực hiện được 216 mô hình/110 mô hình kế hoạch. Đầu tháng 10, phong trào sẽ được đánh giá để nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở.

Song song với các mô hình thực hiện từ phong trào Phụ nữ Yên Bái với môi trường xanh - sạch - đẹp, Hội LHPN thị xã Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường thời gian qua nói chung; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung và đẩy mạnh việc xây dựng, đánh giá các mô hình "5 không, 3 sạch”; "Nhà sạch, vườn đẹp”; "Tuyến đường hoa”; "Tuyến đường thắp sáng”; "Tuyến đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”… để góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới, xây dựng thị xã văn hóa - du lịch.
                                                                     
   Thu Hạnh