Mù Cang Chải chủ động phòng chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2020 | 7:43:19 AM

YênBái - Mù Cang Chải là huyện vùng cao, địa hình phức tạp do núi cao, vực sâu. Vì vậy, vào mùa mưa hàng năm thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Hàng năm, mưa lũ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân huyện Mù Cang Chải.
Hàng năm, mưa lũ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân huyện Mù Cang Chải.

Từ ngày 13/8 đến nay, thường xuyên xảy ra mưa trên diện rộng, khiến tỉnh lộ 175b đoạn qua bản Đề Chờ Chua, xã Púng Luông đã bị sụt lún trên 70% nền đường với chiều dài trên 5m, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, nhất là ô tô.

Tại xã Khao Mang, 90% hộ dân đang cư trú tại các sườn núi, chân đồi, ven ta luy dương, ven suối nên khi có mưa to thường xảy ra lốc xoáy, lũ quét gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Cụ thể, trong năm 2019, mưa lũ đã làm nhiều nhà dân ở thôn Háng Bla Ha A, Háng Bla Ha B, thôn Khao Mang bị tốc mái, sạt lở ta luy và một số diện tích hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Ông Sùng A Dinh - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), ngay từ đầu năm 2020, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT- tìm kiếm cứu nạn (TKCN) để tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét; triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thống nhất quy định về thông tin báo cáo, xây dựng lịch thường trực chỉ huy PCTT - TKCN và trang bị một số phương tiện tại chỗ cho PCTT - TKCN tại xã”. 

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Mù Cang Chải, năm 2019, thiên tai làm 1 người bị thương, 11 nhà bị tốc mái, 24 nhà bị ảnh hưởng phải di dời, trên 1,5 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân. 

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện cho biết: xác định công tác PCTT - TKCN là nhiệm vụ quan trọng; bởi vậy, ngay từ đầu năm 2020, huyện đã xây dựng kế hoạch để triển khai phương án PCTT - TKCN. Cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, chỉ đạo xử lý khi có lũ, bão xảy ra ở địa bàn và khu vực nào thì huy động lực lượng nhân dân, cán bộ nơi ấy tham gia phòng chống. Riêng các xã, thị trấn thì sử dụng lực lượng dân quân cơ động và công an xã để tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ. 

Nhận định những khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã chỉ đạo các thành viên, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra địa bàn để có biện pháp ứng cứu. 

Theo đó, huyện chỉ đạo xảy ra thiên tai ở địa phương nào thì sử dụng lực lượng ở địa phương đó, với lực lượng tối thiểu từ 100 - 130 người; sử dụng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nhiệm vụ theo kế hoạch. Ngoài ra, còn huy động thêm phương tiện vận tải và một số máy xúc của các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn để nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống và thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu cũng như phòng tránh, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các cơ sở, đặc biệt đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta luy xảy ra; vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho sinh hoạt; có phương án, kế hoạch tổ chức tốt công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời...

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn, tình hình mưa lũ năm 2020 vẫn còn diễn biến khá phức tạp và sẽ có những đợt mưa to đến rất to do ảnh hưởng của hoàn lưu một số cơn bão đang tiến vào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Mù Cang Chải. Do vậy, công tác PCTT - TKCN cần phải được thường xuyên duy trì trực 24/24 giờ để giảm thiểu thiệt hại tới mực thấp nhất về người và tài sản do thiên tai.
Thanh Tân