Nhớ tiếng loa làng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2020 | 7:57:25 AM

YênBái - Lúc còn sống, bà tôi có thói quen thức dậy cùng loa. Cứ 5 giờ 30 phút sáng là một âm thanh lẹt đẹt, rè rè vang lên kèm theo đó là tiếng: “A lô! A lô! Một, hai, ba, bốn…”.

Ngày nay, tiếng loa
Ngày nay, tiếng loa "làng" vẫn còn tồn tại theo thời gian ở các nơi phố thị, vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt khi có bão lũ, thiên tai, dịch họa... (Ảnh: Thủy Thanh)

Chậm rãi vén màn bước xuống, xỏ chân vào đôi dép rọ bước ra giếng, bà vừa rửa mặt vừa nghe xem loa thông báo cái gì. Bà mở cửa chuồng gà, thả xích chó, nhóm bếp đun nước, nấu cơm… đủ thứ việc cả. 

Tưởng bà chỉ chăm chú vào ngọn lửa, hay tiếng sôi lục bục của nồi cơm ấy thế mà bà thuộc làu bản tin buổi sáng mà loa thôn mình phát.

Chờ bố tôi thức dậy là bà bảo: "Hôm nay, đến lịch bón phân, diệt chuột đồng loạt toàn huyện đấy. Ăn sáng nhanh còn ra đồng cho sớm”. Bà nhắc cháu dâu nhớ đưa con đi tiêm phòng đúng lịch. 

Đến 5 giờ chiều, bà vác cái rổ ra ngoài sân nhặt rau, nhắc mấy đứa cháu vặn nhỏ ti vi để bà còn nghe loa phát. Từ bản tin về an ninh trật tự, cảnh giác cháy nổ đến thông báo lịch cắt điện luân phiên. 

Thỉnh thoảng lại thấy bác trưởng khu hắng giọng là y rằng chuẩn bị đọc một danh sách dài những người ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ xây nhà văn hóa các khu. Các bác nông dân vừa làm cỏ lúa vừa dỏng tai nghe bản tin vụ chiêm, vụ mùa. Các cụ thì chờ loa nghe xem ngày nào trả lương hưu và tiền trợ cấp. 

Có hôm gió to, tiếng được, tiếng mất. Các thông tin đề phòng trộm cắp, cháy nổ thì nghe rõ nhưng đến đoạn thông báo cáo phó thì chẳng nghe rõ là ai vừa mới qua đời. Hôm nào mà loa hỏng là bà cứ đi ra đi vào, nhấp nhổm không yên. 

Suốt bữa cơm bà cứ lẩm bẩm bảo: "Cả thôn có mỗi cái loa mà cứ tậm tà, tậm tịt thì còn nói làm gì”. Có đêm, làng xóm đã tắt đèn đi ngủ bỗng tiếng: "A lô! A lô” vang lên là y rằng làng xã có chuyện. Một là thông báo trẻ con mất tích, trâu bò nhà ai đó đi lạc, hoặc là tin báo bão về gần. Chẳng ai ngủ cả, nếu là thứ gì đó đi lạc thì cũng phải đèn đuốc đi tìm. Đàn bà tìm gần, đàn ông tìm xa. Tìm người cứ đường mà đi, chứ tìm trâu, bò thì còn phải lên rừng, xuống ruộng. 

Người này hỏi người kia đã thấy chưa? Tìm những chỗ nào rồi? Đã sang làng bên chưa? Ồn ã, xôn xao có khi tới sáng. Còn nếu là tin bão về thì đàn bà phải dậy ôm bó củi vào bếp, đàn ông đeo đèn pin trên đầu trèo vội lên mái nhà che đậy vài chỗ dột. 

Thấp thỏm lo âu theo từng tiếng gió lay ngoài bụi chuối. Ai cũng nghĩ loa đã thông báo thì kiểu gì bão cũng về, dù là bão to hay bão nhỏ. Sợ nhất là tiếng loa lẫn với tiếng kẻng làng báo có trộm hoặc nhà ai bị cháy cần người dập lửa. 

Tiếng loa làng là thứ thân thuộc như giếng nước, sân đình, lũy tre hay tiếng gà gáy sáng. Nhất là những người như bà tôi, cả đời gắn bó với làng nên cái gì thuộc về văn hóa làng xã là ăn vào máu thịt. 

Thế rồi những người già trong làng lần lượt về trời. Thời đại công nghệ, nhà ai cũng có điện thoại thông minh, thông tin nhanh hơn gấp nhiều lần nên tiếng loa dần bị bỏ quên lúc nào không biết, nhất là khi người người đổ về các khu công nghiệp, ruộng đồng bị bỏ hoang. 

Bản tin vụ chiêm vụ mùa mấy ai quan tâm nữa. Nhưng cứ mỗi lần đi qua cây đa ở đầu thôn, ngước nhìn lên chiếc loa đã bắt đầu gỉ sét là tôi lại nhớ đến bà. 

Vũ Thị Huyền Trang