Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông năm 2020: Khắc thêm giá trị văn hóa của nghệ thuật hầu đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2020 | 9:34:09 AM

YênBái - Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2020 lần đầu tiên đạt số kỷ lục với trên 100 nghệ nhân, thanh đồng trong cả nước tụ hội về cùng tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn.


Giá hầu Chúa do chính Thanh đồng Đặng Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam hóa thân vào Chúa Thượng ngàn bằng những ca từ ca ngợi vẻ đẹp thanh cao, uy nghi, tối linh, công đức cũng như những lời khuyên răn đạo lý, thiện tâm của Mẫu Thượng ngàn. Thanh đồng hi vọng sẽ giao tiếp được với đấng thần linh để cầu cho quốc thái dân an, gửi gắm những mong muốn, niềm tin chân thành, trong sáng của con người với trời đất, thần linh.



Thanh đồng Đặng Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam hóa thân vào Chúa Thượng ngàn trong giá hầu Chúa

Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn là một nghi lễ đặc biệt, là một nghi lễ diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Mẫu Thượng ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao của sự ngưng kết, chắt lọc, kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần Rừng - gắn nền kinh tế nông nghiệp với hình tượng Mẫu mẹ - Mẫu đại diện thần Mẹ ở nơi rừng núi, hòa hợp với cõi trần tục, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong đạo Tam phủ của người Việt. 

Đền Đông Cuông là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, các thanh đồng trên mọi miền đất nước lại đổ về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". Vì vậy, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2020 lần đầu tiên đạt con số kỷ lục: trên 100 nghệ nhân, thanh đồng trong cả nước tụ hội về cùng tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn. Hoạt động tôn vinh một giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng giúp người dân, du khách hiểu hơn về đạo Mẫu với những giá trị cơ bản trong di sản văn hoá tinh thần, tâm linh của người Việt. 



Cung văn trong giá hầu.

Đây cũng là dịp để những bản hội, nghệ nhân, thanh đồng, cung văn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, diễn xướng hầu đồng và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Lễ  hội. Đây cũng là lần thứ 2, các bản hội được giao lưu, gặp gỡ, thực hành tôn vinh giá trị đặc sắc của Di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Đông Cuông để những giá trị văn hóa tâm linh tốt đẹp của di sản được gìn giữ, lưu truyền và phát huy. 

YBĐT