Chương trình 1555 ở Mù Cang Chải: Cho trẻ em có cuộc sống tốt hơn

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 2:00:29 PM

YênBái - Mù Cang Chải là huyện nghèo, có trên 90% là người dân tộc Mông, phần lớn các hộ dân đều sinh sống trên các đồi, núi, cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn huyện có 26.401 trẻ em, trong đó có 850 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Một buổi hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em huyện Mù Cang Chải.
Một buổi hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em huyện Mù Cang Chải.

Đến nay, huyện Mù Cang Chải có 26.401 trẻ em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 850 trẻ. Để thực hiện  hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 (Chương trình 1555) , huyện đã ban hành 63 kế hoạch, quyết định chỉ đạo thực hiện Chương trình. Hàng năm, huyện cũng xây dựng và thực hiện đồng bộ các chương trình về: bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống bạo lực; các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, phổ cập giáo dục tiểu học… 

Huyện còn quy định chế độ, chính sách phúc lợi cho trẻ em theo hướng mở rộng đối tượng trẻ em được hưởng lợi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, vui chơi, giải trí, thể thao, thực hiện quyền tham gia của trẻ em. 

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang trên địa bàn cũng đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động lồng ghép với tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em; tăng thời lượng phát sóng các chương trình thiếu nhi, các bài viết về gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc trẻ em, phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại, ngược đãi vi phạm quyền trẻ em. 

Với sự quan tâm đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã đạt được kết quả tích cực với nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiêu biểu như: tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 99%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21%; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học tiểu học đạt 99,1%; cấp THCS đạt 97%; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 14/14 xã, thị trấn. 

Bên cạnh những kết quả đó, huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế khi thực hiện Chương trình với một số mục tiêu chưa hoàn thành: tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em hàng năm còn cao; số trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi còn thiếu; thiếu trầm trọng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; cơ hội cho các em được quyền tham gia, bày tỏ nguyện vọng và phát triển năng khiếu của mình còn ít; công tác hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc huy động nguồn lực. 

Mù Cang Chải là huyện nghèo, có trên 90% là người dân tộc Mông, phần lớn các hộ dân đều sinh sống trên các đồi, núi, cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Bởi nguồn ngân sách Nhà nước dành cho chương trình không được phân bổ riêng mà lồng ghép vào các chương trình; việc đầu tư nguồn lực từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. 

Thêm vào đó, số lượng trẻ em đông, bình quân mỗi năm tăng gần 2.000 trẻ, điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo mô hình kết hợp giữa 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội chưa thực hiện tốt và đồng bộ, còn thiếu nhiều sự quan tâm từ phía gia đình. Các xã, thị trấn chưa có đội ngũ cộng tác viên thôn, bản làm về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nên việc thu thập thông tin, số liệu và báo cáo về tình hình trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế…

Để tiếp tục thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả, huyện Mù Cang Chải đề nghị hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cấp huyện và cấp xã, thị trấn; hỗ trợ kinh phí công tác tuyên truyền cho đội ngũ cộng tác viên thôn bản; xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em tại các xã, thị trấn. 

Bên cạnh đó, huyện cũng xác định việc thực hiện các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời gian tới cần phải gắn liền với việc đầu tư ngân sách; đồng thời, kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng cùng tham gia đóng góp nguồn lực thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em và các hoạt động từ thiện, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Hoài Anh