Yên Bình chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 2:15:24 PM

YênBái - Những năm gần đây, huyện Yên Bình tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Huyện phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 56,58%.

Lao động nông thôn huyện Yên Bình làm việc tại Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh.
Lao động nông thôn huyện Yên Bình làm việc tại Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh.

Năm 2020, huyện Yên Bình đặt mục tiêu tuyển mới đào tạo 2.430 người; trong đó, tuyển mới dạy nghề 2.300 người (gồm: cao đẳng 250 người, trung cấp 350 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 1.700 người, giáo dục đào tạo đại học trở lên 130 người); tỷ lệ lao động đào tạo của huyện hết năm 2020 đạt 63,5%; giải quyết việc làm cho 3.200 lao động; chuyển dịch 850 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 56,58%. 

Để đạt mục tiêu đề ra, đầu năm 2020, UBND huyện chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT). 

Theo đó, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dạy nghề, tư vấn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động cho LĐNT; thực hiện điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT; phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyển LĐNT đủ điều kiện tham gia học nghề; tạo điều kiện cho người học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm sau học nghề cho người lao động. 

Cùng đó, với vai trò là cơ quan chủ trì, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn tổng hợp danh mục nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp, nhu cầu học nghề của LĐNT; triển khai mở các lớp dạy nghề đảm bảm đúng tiến độ thời gian, đối tượng, chất lượng. Trong đó, chú trọng vào đào tạo ngành phi nông nghiệp để cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện và tỉnh. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trực tiếp tham gia chỉ đạo việc dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Hiện tại, với lợi thế là địa phương có nhiều nhà máy, công ty đóng trên địa bàn; gần khu công nghiệp phía Nam của tỉnh và có các loại hình du lịch ngày càng phát triển nên hầu hết các LĐNT ở huyện Yên Bình sau khi tham gia học nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Theo đó, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đã có điều kiện để chăm lo con cái học hành và xây dựng nhà cửa khang trang, bền vững. 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Lao động - Thương Bình và Xã hội huyện Yên Bình khẳng định: "Thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp không chỉ hình thành cơ cấu lao động hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Được biết, riêng trong 8 tháng năm 2020, huyện đã thực hiện chuyển dịch 703/820 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 85,73% kế hoạch.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; đổi mới hoạt động đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho người lao động; chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút, tạo việc làm cho LĐNT; đẩy mạnh các loại hình liên kết trong nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp ở các địa phương.

Hồng Oanh