Lãnh đạo hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2020 | 9:57:26 PM

YênBái - Chiều 17/11, tại Hà Nội, lãnh đạo hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang đã có cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự buổi làm việc về phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có đồng chí Nguyễn Văn Thể- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy-  Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thế Phước- Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Dương Văn Thống - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái; tỉnh Hà Giang có đồng chí Đặng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. 

Dự án xây dựng đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Quản lý dự án 2 đã tổ chức, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Theo đó, Dự án được đề xuất có quy mô đầu tư xây dựng khoảng 83km. Điểm đầu tại nút giao IC14 - Km149+705 cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang - Km235+700 Quốc lộ 2. Phân thành 2 kỳ đầu tư: giai đoạn 1 - xây dựng theo quy mô đường ô tô cấp III đồng bằng gồm 2 làn xe, nền đường rộng 12m; giai đoạn hoàn chỉnh- xây dựng thành đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng từ 22-24,75m. 



Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tặng Bộ trưởng Bộ GTVT cuốn sách "Yên Bái đất và người”.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định đây là dự án quan trọng, cần thiết đối với Hà Giang, Dự án được thực hiện, giúp kết nối các địa phương trong vùng Đông - Tây Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Hà Giang; góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực, tăng cường giao lưu văn hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội, xóa bỏ dần khoảng cách giữa khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số với miền xuôi. Đồng thời còn đảm bảo an ninh - quốc phòng. 

Nhấn mạnh, hạ tầng giao thông cũng được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là 1 trong 3 khâu đột phá thực hiện trong 5 năm tới, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh mong muốn, đơn vị tư vấn bổ sung thêm các nội dung về sự cần thiết triển khai Dự án trong báo cáo tiền khả thi; nghiên cứu kỹ về nguồn vốn đầu tư để khi triển khai dự án thuận lợi; Bộ tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông quan trọng của Hà Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy mong muốn Dự án sớm được triển khai và sẽ phối hợp tích cực với Bộ, tỉnh Hà Giang trong triển khai Dự án. Đồng chí cũng đề xuất cần nghiên cứu thay đổi tên dự án cho phù hợp; nghiên cứu hướng tuyến phù hợp hơn cho sự phát triển khu vực trung tâm huyện Lục Yên. Đồng thời cần nghiên cứu nguồn vốn đầu tư một cách cụ thể để khi triển khai không xảy ra vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã phát biểu đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để đưa Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đồng thời tỉnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tỉnh Hà Giang trong quá trình thực hiện Dự án.



Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã tặng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bức ảnh Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang và Yên Bái về Dự án xây dựng tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, chủ trương của Bộ ủng hộ cao việc đầu tư dự án này. Bộ đã giao các đơn vị trực thuộc làm việc với các tỉnh để triển khai các bước nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Bộ trưởng yêu cầu: các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu đưa vào quy hoạch phát triển đường cao tốc để sớm trình Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị hai tỉnh khi Dự án được phê duyệt thực hiện việc giải phóng mặt bằng phải làm dứt điểm toàn bộ mặt bằng quy hoạch đường cao tốc và đường song hành ngay từ đầu để thuận lợi trong thực hiện; phương án tuyến cần nghiên cứu đảm bảo ngắn nhất và hiệu quả nhất; cần tính toán các phương án sử dụng vốn khác nhau với mục tiêu để triển khai nhanh, thuận lợi và hiệu quả.

Đơn vị tư vấn có trách nhiệm xây dựng các phương án triển khai dự án tối ưu; Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với các cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tham mưu giải quyết đề xuất của các địa phương về nâng cấp các tuyến tỉnh lộ thành quốc lộ đảm bảo theo đúng tiêu chí của ngành và đảm đúng quy định của pháp luật.

Duy Quang