Hiệu quả từ các câu lạc bộ khuyến học ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2020 | 7:51:18 AM

YênBái - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Trấn Yên có nhiều mô hình khuyến học hay được phát động dưới hình thức các câu lạc bộ khuyến học.

Một lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao ở xã Kiên Thành,  huyện Trấn Yên.
Một lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Các câu lạc bộ (CLB) được thành lập xuất phát từ nhu cầu "cần gì học nấy”, gắn kết việc học với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, với nhu cầu của đời sống nhân dân góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo hiệu ứng tốt nên thu hút rất đông các học viên tham gia. 

Có mặt trong lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao tại Nhà cộng đồng học tập, thôn Đồng Phay, xã Kiên Thành vào một buổi tối thứ 6 mới thấy tinh thần nghiêm túc của các học viên tham gia lớp học. Lớp học này thuộc CLB Khuyến học xã Kiên Thành đã duy trì được 4 năm nay với 23 học viên học đều đặn vào các tối thứ 2, thứ 4 và thứ 6. 

Là một trong những học viên đầu tiên của lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao, anh Triệu Phú Thịnh, thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành hào hứng: "Tham gia lớp học này, cùng với được học tiếng nói, chữ viết để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao của mình, tôi còn được tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền đạt những cách làm hay, tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật để thâm canh cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình”. 

Đến nay, CLB Khuyến học xã Kiên Thành có 45 người tham gia ở các lớp học: hát then, đàn tính dân tộc Tày; tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao; dệt may, thêu thùa quần áo trang phục dân tộc thiểu số. Những lớp học này có đội ngũ giáo viên là các già làng, trưởng bản người có uy tín tâm huyết trong cộng đồng cùng tham gia truyền dạy. 

Ông Dương Trung Hưng - Chủ nhiệm CLB Khuyến học xã Kiên Thành cho biết: "Thông qua hoạt động của CLB đã khơi dậy sự tự tin trong đồng bào dân tộc thiểu số, để mỗi người nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Cũng từ CLB nhiều hội viên đã động viên nhau vừa tham gia học tập, vừa tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, có 31/45 hội viên trong CLB là hộ khá, giàu, không còn hộ nghèo. Hàng năm, 100% hộ gia đình thuộc CLB đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập”. 

Còn với CLB Khuyến học múa hát Sịnh ca dân tộc Cao Lan được thành lập năm 2016 với 30 hội viên hướng tới xây dựng một xã hội học tập và hội nhập theo phương châm "Cần gì học nấy, lấy nhu cầu học tập của mỗi người, mỗi cộng đồng các dân tộc làm mục tiêu, động lực thúc đẩy xã hội phát triển” hoạt động từ sự tự nguyện đóng góp kinh phí của các hội viên. 

Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "CLB duy trì sinh hoạt đều đặn tại nhà văn hóa thôn và được các hội viên tích cực tham gia hưởng ứng. Cùng với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, giữ gìn tiếng nói, trang phục dân tộc Cao Lan thông qua việc giao tiếp, trò chuyện; người lớn tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu hát, điệu múa, tiếng nói của dân tộc mình thì CLB đã gắn kết giữa những người cùng chung sở thích, tạo sân chơi bổ ích, góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cao Lan”.

Toàn huyện Trấn Yên hiện có gần 170 hội viên tham gia ở 4 CLB khuyến học là: CLB khuyến học xã Kiên Thành, CLB Khuyến học múa hát Sịnh ca dân tộc Cao Lan; CLB hát giao duyên, dệt vải, tiếng nói chữ viết người Dao xã Tân Đồng; CLB khuyến học tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày xã Việt Hồng phục vụ du lịch cộng đồng. Các CLB này đã thúc đẩy phong trào xây dựng "Gia đình học tập”, "Dòng họ học tập”, "Cộng đồng học tập” trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. 

Ông Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trấn Yên cho biết: "Hiệu quả mà các CLB khuyến học mang lại không chỉ góp phần bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo động lực để bà con tích cực học tập, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế từ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng để cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. 

Thanh Chi