Yên Bái dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết liên tịch số 01/TW giai đoạn 2017 -2020

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2021 | 4:22:35 PM

YênBái - Sáng 6/1, tại Hà Nội, Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01/NQ-TW giữa hai đơn vị về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017 - 2020.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh và đại tá Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Tại Yên Bái, thực hiện NQLT số 01/NQ-TW, trong giai đoạn 2017 - 2020, Hội LHPN tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 700 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thu hút trên 31 nghìn lượt hội viên phụ nữ tham gia; 1.223 lớp tập huấn cho trên 7 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, tuyên truyền viên, công tác viên về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…, các kiến thức, kỹ năng phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mua bán người, các loại tội phạm và hành vi pháp luật liên quan đến "tín dụng đen”…

Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 6.740 buổi học tập tuyên truyền xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; cấp phát trên 80 nghìn tờ rơi, 3.000 cuốn tranh lật và 1.500 áp phích về phòng, chống mua bán người, di cư an toàn, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm tới cơ sở. 

Qua đó, đã từng bước nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức của nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng về tác hại của các tệ nạn xã hội, đề cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục con em mình.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Trần Quốc Tỏ- Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Việc phối hợp không chỉ dừng ở hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ hội viên, thành viên trong các gia đình về ý thức cảnh giác với các loại tội phạm mà đã được mở rộng hơn về cả nội dung, hình thức, mức độ, đối tượng như: thực hiện tiêu chí gia đình không có người vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình. 

Đối tượng tác động ban đầu chỉ là con em trong gia đình, sau đã mở rộng hơn tới các đối tượng đặc thù như: nữ phạm nhân, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo…

Để tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội có liên quan đến phụ nữ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các đơn vị công an địa phương và cấp Hội phụ nữ cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương xây dựng mối quan hệ hiệp đồng, tương tác, tạo thành chỗ dựa vững chắc, địa chỉ tin cậy của nhân dân; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên không phạm tội, tệ nạn xã hội, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Minh Huyền