Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2021 | 4:49:29 PM

YênBái - Sáng 6/1, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức buổi làm với Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về công tác giải phóng mặt bằng và một số vấn đề liên quan đến công tác triển khai Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước phát biểu tại buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và các đơn vị liên quan.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB và Chính phủ Úc tài trợ, được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1630/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2019 với tổng mức đầu tư 5.339.591 triệu đồng đi qua 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối là tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Dự án như việc khảo sát thiết kế tuyến, công tác giải phóng mặt bằng tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Về tình hình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tuyến nối Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 54,069 km, được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi (có điểm đầu tại nút giao IC14, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và điểm cuối giao với quốc lộ 32 tại Km209+500 địa phận thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã giao hai huyện Văn Yên và Văn Chấn làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Đối với đoạn qua huyện Văn Yên, đã thực hiện hoàn thành công tác đo đạc trên thực địa đoạn qua xã Đại Sơn và xã An Thịnh. Hiện nay đang thực hiện công tác nội nghiệp, biên tập bản đồ thu hồi đất 20km đã được giao mốc GPMB. Dự kiến đến ngày 10/01/2020, hoàn thành phần bản đồ thu hồi đất "mộc” để trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Đoạn tuyến qua huyện Văn Chấn với chiều dài khoảng 19,7 km, đã thành lập Hội đồng GPMB; tổ chức công khai, tuyên truyền khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án. Tuy nhiên, đến nay, Ban Quản lý dự án 2 chưa bàn giao mốc GPMB làm cơ sở để Hội đồng GPMB huyện Văn Chấn triển khai đo đạc, lập hồ sơ thu hồi đất và thực hiện công tác GPMB.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnhNguyễn Thế Phước đề nghị đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần khảo sát cụ thể về địa hình, địa chất để đảm bảo khi thi công không gây sạt lở ảnh hưởng đến tiến độ thi công; đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong phạm vi thực hiện khảo sát cụ thể, tính toán có phương án thiết kế và giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo khi công trình đưa vào sử dụng đạt hiệu quả.

Tỉnh Yên Bái cũng xác định công tác GPMB là hết sức quan trọng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong vùng dự án triển khai thực hiện đo đạc, quy chủ, lập bản đồ và thực hiện công tác GPMB.

Để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án, tỉnh Yên Bái đề nghị Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT khẩn trương bàn giao mốc GPMB đoạn còn lại để Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Văn Yên và huyện Văn Chấn thực hiện công tác GPMB theo kế hoạch của Dự án đề ra.

Tại buổi làm việc, các đại biểu có ý kiến cho rằng, hiện nay còn thiếu các số liệu phục vụ cho thiết kế kỹ thuật, do vậy cần rà soát xác định cụ thể hướng tuyến đảm bảo hợp lý, đánh giá cụ thể khối lượng giải phóng; phải có các giải pháp liên quan đến điều chỉnh tuyến; các giải pháp gia cố công trình như taluy âm, taluy dương trên toàn tuyến; phải có phương án để đảm bảo an toàn khi thi công công trình…

Đại diện lãnh đạo các tỉnh cũng đề nghị đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật; chỉ đạo đơn vị tư vấn kiểm tra và có phương án thiết kế phù hợp với hiện trạng; tăng cường công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề về mốc giới giáp ranh giữa các tỉnh và bàn giao sớm mốc GPMB để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ. 

Cùng với đó, các tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, công khai khung chính sách của Dự án; tổ chức tuyên truyền chính sách hỗ trợ, tái định cư; tổ chức họp phổ biến thông báo công khai thông báo thu hồi đất và phát thông báo đến người dân …

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý dự án 2, đơn vị tư vấn và các đơn vị, địa phương tham gia Dự án, đặc biệt là sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu trong việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ các thủ tục của dự án.

Để đảm bảo tiến độ Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến kiến nghị, đề xuất của các tỉnh tại buổi làm việc; đồng thời bám sát theo yêu cầu tiến độ đã cam kết; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Giao Ban quản lý dự án 2 cùng với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông có sự tham gia của Vụ Kế hoạch - Đầu tư lựa chọn một số gói thầu ưu tiên với nguyên tắc các giải pháp địa chất bổ sung không tác động nhiều như thiết kế, để tổ chức thẩm định, tổ chức đấu thầu và phải đề ra mốc thời gian thực hiện cụ thể; đơn vị tư vấn cần rà soát lại khối lượng ước tính và điều chỉnh, bổ sung các giải pháp thi công để ít phải điều chỉnh khi thực hiện…

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)