Mường Lò cần khơi dậy văn hóa dân gian Mường

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/1/2021 | 7:52:45 AM

YênBái - Khi đến với cộng đồng người Mường nói chung và người Mường ở vùng Mường Lò, ta thấy ở đó còn lưu giữ được những nét văn hóa tộc người rất đặc sắc.

Biểu diễn điệu múa chai trong lễ ra mắt Nhóm bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ.
Biểu diễn điệu múa chai trong lễ ra mắt Nhóm bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ.

Dân tộc Mường là tộc người có dân số đông thứ hai sau dân tộc Thái sinh sống trong vùng đồng bằng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ. Họ cư trú thành từng thôn tập trung ở một số xã: Nghĩa Phúc, Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Sơn A, Phù Nham, Thanh Lương… Mặt bằng dân trí cao, đời sống kinh tế khá phát triển và đồng đều, tuy nhiên, người Mường ở Mường Lò hiện vẫn bảo tồn bền vững tiếng nói, trang phục, kiến trúc nhà ở và nhiều nét văn hóa cổ xưa.

Khi đến với cộng đồng người Mường nói chung và người Mường ở vùng Mường Lò, ta thấy ở đó còn lưu giữ được những nét văn hóa tộc người rất đặc sắc. 

Trong đó, nhà sàn của người Mường cơ bản vẫn giữ được kiến trúc nhà ở có lan can ở phía trước sàn nhà; có gian bếp ở chái nhà bên trong độc lập với không gian nhà chính; có cầu thang chính và cầu thang phụ lên khu vực bếp. Ban thờ gia tiên đặt ở vị trí trang trọng (gian tiếp khách ở phía cầu thang chính) và cách xa giường ngủ hoặc phòng ngủ ở gần khu vực thờ tự chỉ dành cho người cao tuổi. 

Cùng đó, điểm nổi bật trong không gian nhà ở của người Mường là sự sắp đặt các vật dụng trong nhà rất gọn gàng, vườn tược, công trình vệ sinh rất sạch sẽ, trước nhà thường có ao cá cùng với địa hình ruộng đồng bằng phẳng tạo nên môi trường luôn thoáng mát.

Nghi lễ dân gian Mường hiện vẫn còn bảo lưu nhiều tục lệ: lễ lôông trồng (cấy trồng) hay còn được gọi chệch là lễ lồng tồng; lễ cúng miếu mường (cúng thần hoàng làng), thờ tổ sư (tổ nghề thầy mo), cúng miếu thờ thần linh thổ địa nơi cư trú, tục thờ ma nhà (ban thờ được đặt ở góc nhà nên còn gọi là ma xó), cúng vía người già (buộc vía), cúng mụ cho trẻ nhỏ để cầu mong sức khỏe, bình an, cúng cơm mới tạ ơn tổ tiên trời đất… Ngoài ra, nhiều người còn giữ được các pháp thuật (yểm bùa ngải, bắt quyết) trừ tà ma, chữa bệnh cho người, gia súc, kiều hồn và các pháp thuật khác tâm linh khác trong nghi lễ tang ma…

Về ẩm thực, người Mường được coi là tộc người có văn hóa ẩm thực đặc sắc và hấp dẫn nhất với câu ca: "Cơm đồ nước vác/Nhà gác lợn thui/Ngày lui tháng tới”. Trong đó, nổi tiếng nhất với các món ăn được chế biến theo 4 cách: nướng, hấp, đồ, lam được kết hợp với các gia vị như hạt dổi, sẻn (mắc khén), gừng, riềng. 

Cùng đó, người Mường còn rất giỏi trong việc tìm kiếm các loại rau rừng để làm món rau xôi, nộm tổng hợp vừa bổ dưỡng vừa trị bệnh; đặc biệt, người Mường có bí kíp rất riêng để chế biến được đặc sản rượu cần và nấu được thứ rượu rất ngon. Cùng đó, họ giỏi nghề thuốc nam nên trong cộng đồng Người Mường ở Mường Lò có khá đông ông lang, bà mế cao tay và người Mường thường sử dụng các loại cây thuốc để đun nước uống hàng ngày. 

Văn hóa dân gian Mường ở Mường Lò có thể được ví như, họ đang nắm giữ một kho tàng đồ sộ. Trong đó, nhiều người cao tuổi, nhất là các thầy mo vẫn diễn giải được nghi thức mo Mường; lưu giữ được được nội dung sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” và rất nhiều chuyện dân gian Mường; trong đó, có sự tích Nàng Han (Nàng Hai); chuyện ông Đùng, bà Tà - những thần nông trị thủy khai mở đất mường. Họ có nhiều loại hình khiêu vũ cổ; trong đó, có múa tâm linh như: múa mỡi - múa mời thần linh; múa làm Pụt, múa nàng tiên (đồng nữ múa ốp đồng)… 

Ngoài ra, người Mường còn có nhiều điệu múa vui như: xòe Mường (xòe nhà sàn, múa chai, múa khăn, múa quạt, múa đâm đuống, múa gõ sạp đón khách và nổi tiếng nhất là múa trống đu (trôống tu). Người Mường cũng giỏi chơi các loại nhạc cụ như: cồng chiêng, trống, sáo, nhị, các loại pí và hiện vẫn còn nhiều người biết sử dụng cồng chiêng trong hát séc bùa chúc tết. 

Dân ca Mường nổi tiếng với hát Thường rang (sường rang); hát phong thư (phong slư), hát Đúm giao duyên, hò đối đáp (hò đu trong hội đu xuân) đối với nam thanh nữ tú; hát Bộ mẹng (bố mẹ) với đối tượng người lớn tuổi hoặc đã kết hôn và hát khan kể sử thi, tình sử… 

Bên cạnh đó, những trò chơi, thể thao dân gian của người Mường ở Mường Lò cũng khá đặc sắc, phong phú như: đánh đuốn (đánh quay), thi đấu cà kheo, thi đi cầu khỉ, thi bắn nỏ, thi leo cột mỡ, đánh phết, tát yến, ném còn, đánh hạt lẹ, chơi âm, cướp cờ, đánh khăng, chơi nhảy lò cò về đích, cưỡi ngựa đánh trận (từng đôi cõng nhau rồi áp sát đánh vai đẩy nhau chọn những đôi không bị ngã đấu tiếp rồi chọn đôi đấu nhất, nhì)…

Với những nét phác thảo về vốn văn hóa dân gian của tộc người Mường ở Mường Lò, những mong cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến thị xã Nghĩa Lộ và cơ sở xã, phường trong thị xã cần có những giải pháp phối hợp nghiên cứu, xác lập hồ sơ khoa học về hiện trạng văn hóa dân gian Mường và đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát triển những vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian cộng đồng người Mường. 

Đồng thời, nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ tạo thêm những dữ liệu quan trọng để biến tiềm năng văn hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế nói chung, kinh tế du lịch nói riêng theo mục tiêu chiến lược phát triển của địa phương là xây dựng thị xã văn hóa - du lịch.

Hoàng Nhâm