Yên Bái quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2021 | 7:47:56 AM

YênBái - Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với di tích lịch sử của địa phương mà nhiều nhà trường đang thực hiện là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Các em học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi thực hiện nghi thức chào cờ tại buổi tham quan thực tế Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Âu Lâu.
Các em học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi thực hiện nghi thức chào cờ tại buổi tham quan thực tế Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Âu Lâu.

Những năm gần đây, việc giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho học sinh được các nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm.

Bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử. Từ đó, giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về truyền thống cách mạng, lịch sử, truyền thống của mảnh đất và con người Yên Bái, vun đắp tình yêu quê hương đất nước cho học sinh.

Giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng được các liên đội trường ưu tiên hàng đầu. 

Vào một ngày đầu tháng 2/2021, theo chân cô và trò lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái đến thăm Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Âu Lâu, chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng của các em khi được tham quan, tìm hiểu về "địa chỉ đỏ” - nơi góp phần quan trọng vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mở đường đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Em Đỗ Hoàng Giang chia sẻ: "Tuy đã được nghe, xem qua sách báo, ti vi nhưng lần này được tham quan, trải nghiệm Di tích Bến Âu Lâu, em càng thêm tự hào về quê hương mình, về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông. Em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này trở thành người có ích”. 

Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với di tích lịch sử của địa phương mà nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đang thực hiện là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. 

Cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình cho biết: "Nhằm nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, thời gian qua, bên cạnh việc học trên lớp, vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc”. 

Từ tháng 9/2020, khi công trình nhà trưng bày Bảo tàng Yên Bái chính thức đi vào hoạt động, đây đã trở thành địa điểm lý tưởng cho công tác giáo dục thế hệ trẻ và phục vụ nghiên cứu, tham quan. Không gian trưng bày sẽ đem đến cho người xem cái nhìn khái quát, đầy đủ nhất về các thời kỳ lịch sử, về quê hương và con người Yên Bái. 

Em Ninh Ngọc Ánh - học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái hào hứng: "Qua buổi tham quan, em thấy rất bổ ích. Em được ngắm nhìn các hiện vật lịch sử, nghe thuyết minh, từ đó hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, thêm trân trọng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”. 

Có thể thấy, những trải nghiệm thực tế như vậy sẽ là bài học sinh động, giúp học sinh có cái nhìn chân thực về lịch sử, những cảm nhận không dễ có được khi chỉ đọc những tư liệu. 

Và quan trọng hơn cả, mỗi chuyến đi ấy sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, rèn luyện đạo đức cho các em học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để các em thấy yêu và tự hào hơn về quê hương mình, nỗ lực vươn lên trong học tập để xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 

Thanh Chi