Xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn: Làm thực chất, tránh phong trào

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2021 | 5:11:17 PM

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với rất nhiều nguyên nhân nên việc xây dựng NTM ở những địa bàn trên vẫn gặp vô vàn khó khăn, thách thức.

Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.  (Ảnh: minh họa)
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: minh họa)

Vẫn "trắng” huyện 30a đạt chuẩn nông thôn mới

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho hay: Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện trong cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 4,5%/năm; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân đạt trên 5%/năm. Đến cuối năm 2020, tỉnh Yên Bái có 76/150 xã đạt chuẩn NTM; trong đó 12 xã đặc biệt khó khăn đã về đích NTM. Huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên trong 7 tỉnh Tây Bắc về đích NTM; TP Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn đã có sự cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam: Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); trong đó ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương; lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (CT MTQG) giảm nghèo và các chương trình, dự án khác chiếm 15,5%; tín dụng khoảng 64,1%; doanh nghiệp khoảng 2,1%; cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%... Nhờ đó, 8 huyện đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo) đã thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng vẫn chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đến nay, 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đã đạt chuẩn NTM (đạt 13%); 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn thuộc Đề án 1385 (Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020) được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%).

Một số địa phương có vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung. Điển hình như tỉnh Sơn La, tổng diện tích cây ăn trái đến năm 2020 đạt khoảng 100.00ha (từ năm 2015 đến nay tăng bình quân 35,6%/năm), dần trở thành vựa trái cây lớn của cả nước. Nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại (Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Đắc Nông, Sóc Trăng...), tìm kiếm thị trường cho nông sản; thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản của địa phương. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2016-2020 bình quân 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.

Nhưng, hiện vẫn còn 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, có 762 xã dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đặc biệt, 40 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, thuộc 18 tỉnh vẫn còn "trắng xã NTM”. Số xã đạt NTM ở những vùng đặc biệt khó khăn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng: "Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vùng DTTS&MN đến nay vẫn là nơi còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Xây dựng nông thôn mới vùng khó phải có cách làm sáng tạo

Để xây dựng NTM ở vùng DTTS&MN trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Y Thông: Trước mắt, cần giải quyết tốt tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS...

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng: Thời gian tới, việc triển khai xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt hơn, không máy móc, không rập khuôn, phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng miền, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm.

Cùng với đó, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư gắn với việc phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn, phấn đấu không còn huyện "trắng" xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu các xã ở vùng đặc biệt khó khăn phải đạt từ 15 tiêu chí xây dựng NTM trở lên. 

Việc xây dựng NTM tại khu vực đặc biệt khó khăn phải gắn với đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng chứ không đơn lẻ, cô lập. Theo đó, các quy hoạch này phải kết nối với các vùng đặc biệt khó khăn; nhất là quy hoạch giao thông, thủy lợi, công nghiệp... Xây dựng NTM một cách thiết thực, tránh hình thức, phong trào; tạo môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực đặc biệt khó khăn; nhất là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hạ tầng và nhân lực.

(Theo QĐND)