Du lịch Yên Bái và “quả ngọt” nhờ Nghị quyết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/3/2021 | 6:39:20 AM

YênBái - Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đón 3.054.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 227.158 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách hàng năm đạt 10,3% (vượt 1,8% so với mục tiêu Nghị quyết số 35). Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân hàng năm 19,6% (vượt 8,2% mục tiêu Nghị quyết 35), tạo việc làm cho 7.500 lao động.

Yên Bái là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Yên Bái là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ngày 18/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 35 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Nghị quyết số 35). Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã thúc đẩy du lịch Yên Bái có bước phát triển nhanh, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Tầm nhìn, định hướng phát triển đúng đắn

Việc ban hành Nghị quyết được các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao bởi sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này cho thấy, Yên Bái đã nắm vững, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của địa phương, có những mặt đã đi trước Trung ương một bước (ban hành nghị quyết trước Trung ương hơn 1 năm). 

Về tính đúng đắn, Nghị quyết đã xác định được xu thế phát triển, du lịch được xác định lại là một ngành kinh tế có tính đa ngành bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, do đó đã tính toán để khai thác hết các thuận lợi như: cùng với sự đi lên của toàn xã hội, đời sống người dân nâng cao, nhu cầu hưởng thụ tăng, trong đó có du lịch, mà Yên Bái có những tiềm năng hết sức to lớn; là việc tận dụng, khai thác kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nhất là khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào sử dụng rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, là yếu tố vô cùng thuận lợi để đưa du lịch phát triển...

Bài bản trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện  

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cùng với tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu sắc tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh, huy động được cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia. 

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết được cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể hóa, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 83 ngày 5/8/2017 thực hiện Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai, trong đó quy định chi tiết và phân công cụ thể nhiệm vụ tới từng ngành, địa phương và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp. 

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, tạo "cú huých” để du lịch phát triển...

  "Quả ngọt” nhờ Nghị quyết 

Qua triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, Nghị quyết số 35 đã đạt được những mục tiêu quan trọng. Cụ thể, việc xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch về phát triển du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng được làm tốt hơn. Công tác quản lý và thực hiện các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và phát triển con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường qua áp dụng nghiêm ngặt hệ số xây dựng trên diện tích được giao, kiến trúc phù hợp với cảnh quan, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên, quản lý nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Tỉnh đã triển khai lập quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiến hành lập quy hoạch chung. 

Đến nay, cơ bản đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm, gồm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (phía Nam huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây của tỉnh; vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên. Trong đó, đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng; chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và bảo tồn, phát huy giá trị di sản danh thắng. Nhiều sản phẩm của địa phương như: quế, chè, gạo, cam, đá quý… được phát triển làm hàng hóa, làm quà tặng có giá trị. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch qua triển khai Nghị quyết, được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. 





Đã có 227.158 lượt du khách quốc tế tới Yên Bái trong 5 năm qua. 

Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch với 3 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Trong hai năm 2019 - 2020, Trường mở 15 lớp bồi dưỡng, tập huấn được trên 500 lượt học viên. Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã đào tạo cho 1.700 nhân lực. Một số địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ; mở 5 lớp tập huấn cho 400 lượt công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý Nhà nước về phát triển du lịch.

Từ các chính sách mời gọi thu hút đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư cho phát triển du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.235 tỷ đồng; đã mời gọi được một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Sungroup, Alphanam, Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương nghiệp (ITD), Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt… nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực du lịch. 

Nếu như năm 2015, toàn tỉnh mới có 130 cơ sở lưu trú, thì đến năm 2020, đã phát triển thành 449 cơ sở, trong đó có 240 nhà nghỉ, khách sạn (3 cơ sở lưu trú đạt hạng 3 sao, 11 cơ sở lưu trú đạt hạng 2 sao, 8 cơ sở lưu trú đạt hạng 1 sao, 70 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú, với tổng số 3.027 buồng với 4.750 giường); 209 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, hình thành một số khách sạn cao cấp. 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội; qua tổ chức tham gia các hội chợ, sự kiện về du lịch trong và ngoài nước; các lễ hội văn hoá du lịch; duy trì  hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc… 

Đặc biệt là việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển du lịch quốc tế như: ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển du lịch với tỉnh Val de Marne - Cộng hòa Pháp; thỏa thuận hợp tác hữu nghị với thành phố Mimasaka - Nhật Bản… Hình ảnh đẹp về phong cảnh, văn hóa, con người và những chính sách thu hút đầu tư của Yên Bái được lan tỏa. Yên Bái trở thành điểm đến trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách trong và ngoài nước. 

Những bài học kinh nghiệm 

5 năm triển khai thực hiện, những kết quả từ Nghị quyết 35 thể hiện sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách với các mục tiêu, phương hướng và giải pháp khả thi. Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết để lại những bài học kinh nghiệm quý, đó là: phải luôn tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành chính quyền các cấp trong phát triển du lịch của tỉnh. 

Đồng thời, có giải pháp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng; chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và bảo tồn, phát huy giá trị di sản danh thắng bản sắc văn hóa dân tộc. 

Phải thực hiện nhất quán chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và quy định của pháp luật. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước…

Những kết quả và bài học từ Nghị quyết 35 trong 5 năm qua là tiền đề tiếp tục đưa ngành công nghiệp không khói của Yên Bái phát triển nhanh trong 5 năm tới, góp phần để tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đình Tứ