Yên Bái: Tiếp tục nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/4/2021 | 7:36:47 AM

YênBái - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08 ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ATTP.

Yên Bái đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, an toàn.
Yên Bái đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, an toàn.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành y tế với chức năng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh ban hành trên 150 văn bản ngắn hạn và văn bản có tính chất chỉ đạo chiến lược lâu dài về công tác ATTP. 

Hàng năm, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP; triển khai công tác hậu kiểm về ATTP và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các dịp cao điểm như tết Nguyên đán, tết Trung thu, lễ hội, Tháng hành động Vì ATTP, mùa hè và các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh... 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ công chức, viên chức, người lao động về công tác bảo đảm ATTP. 

Xây dựng 9.149 phóng sự, tin, bài đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng ; kẻ vẽ 3.985 tranh áp phích, cấp phát 8.849 băng đĩa, 51.170 tờ rơi truyền thông ATTP cho trung tâm y tế, trạm y tế các huyện, thị xã, thành phố; treo 4.322 băng zôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính toàn tỉnh. 

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn cho người quản lý, cán bộ làm công tác ATTP, người quản lý, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng với tổng số 9.853 buổi, trên 62.000 người tham gia. 

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến địa phương, có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng có liên quan. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm. 

Trong 10 năm đã kiểm tra 41.458 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đã phát hiện 5.917 cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 501 cơ sở, với tổng số tiền 1.360 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định và hàng hóa bị tiêu hủy trị giá hơn 700 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là chủ cơ sở chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hoặc không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. 

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngoài danh mục cho phép không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong các cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống vẫn còn khá phổ biến... 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra nên trong giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh chỉ xảy ra 106 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.347ca mắc, 7 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn đều được thực hiện khai báo điều tra ngộ độc thực phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế, đa số các vụ ngộ độc thực phẩm đã tìm ra được nguyên nhân. Tỷ lệ mắc/ 100.000 dân trung bình trong 10 năm là 7,2 người/100.000 dân. 

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ATTP vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Công tác xã hội hóa, bảo đảm ATTP chưa cao, sự tự giác tham gia của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế. 

Tình hình ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm còn chiếm tỷ lệ khá cao; việc kinh doanh thức ăn đường phố diễn biến phức tạp, khó quản lý. Nhất là việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm hè phố gây mất mỹ quan đô thị và ATTP.

Thực tiễn cho thấy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thay đổi nhận thức từ nhà quản lý đến người dân, từ khâu sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt vào các đợt cao điểm như tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm, Tháng hành động Vì ATTP, tết Trung thu... 

Xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật, đồng thời công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm để người tiêu dùng biết lựa chọn khi mua sắm là những giải pháp hữu hiệu nhất.

Thanh Phúc