Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” - Nền tảng phát triển hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/5/2021 | 1:52:30 PM

YênBái - Hơn 20 năm Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đi vào cuộc sống, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, một môi trường văn hóa xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh cùng nhiều giá trị văn hóa mới được xác lập, tạo nên những chuẩn mực mới trong đời sống xã hội.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Những năm đầu thế kỷ XXI, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào vùng cao vẫn còn nhiều hủ tục trong ma chay, cưới xin. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới đã đi vào tiềm thức, ăn sâu bám rễ vào văn hóa của đồng bào. Hệ quả để lại là đói nghèo, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi. 

Khi mới triển khai thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH”, năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 90.000/149.500 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 106/2.232 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng, bản, tổ dân phố văn hóa, 715/1.033 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đến năm 2020, Yên Bái có 174.857/218.392 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 908/1.364 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 1.128/1.310 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Có sự thay đổi đáng mừng này, chính quyền các cấp đã liên tục bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động. Mỗi địa phương, mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều có cách làm cụ thể. Đồng chí Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trạm Tấu nhấn mạnh: "Phải quyết liệt vận động người dân bằng cả tấm lòng và sự nhiệt tình. Cán bộ phải giải thích cho người dân những điều cần gìn giữ, bảo tồn và thay đổi những gì chưa phù hợp. Mỗi ngày một ít như mưa dầm thấm lâu, có thế, người dân mới tin tưởng và làm theo”. 

Cùng với công tác tuyên truyền, Phong trào "TDĐKXDĐSVH” cũng đã khuyến khích xây dựng, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng gia đình, dòng họ học tập. 

Trong 20 năm qua, các cấp đã khen thưởng cho trên 7.000 cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động. Ông Đặng Hồng Quân - Trưởng dòng họ Đặng ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên cho biết: "Dòng họ chúng tôi được công nhận dòng họ tiêu biểu, được các cấp, các ngành khen thưởng. Vì vậy, mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong dòng họ luôn đoàn kết, cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm để tiếp thu các kiến thức, khoa học, công nghệ áp dụng vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, dòng họ Đặng luôn gìn giữ, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Dao quần trắng”. 

Có thể thấy, các hoạt động được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã thúc đẩy Phong trào "TDĐKXDĐSVH” phát triển rộng khắp từ nông thôn đến thành thị. Đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: "Phong trào "TDĐKXDĐSVH” được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Qua đó, các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, quy tắc ứng xử văn hoá được hình thành. Nhờ đó, tỷ lệ các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa qua các năm ngày càng tăng”. 

Phong trào "TDĐKXDĐSVH” đã thực sự mang lại những lợi ích thiết thực, cho người dân về một môi trường văn hóa xã hội an toàn, lành mạnh; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

Lê Thương