Bức tranh giao thông ngày tái lập tỉnh
Đường giao thông ở Yên Bái những năm đầu tái lập tỉnh muôn trùng khó khăn. Ngoài một số tuyến quốc lộ như: 32, 32C, 70, 37 đã xuống cấp nghiêm trọng, các tuyến tỉnh lộ từ thị xã Yên Bái đi các huyện đường nhỏ và chất lượng mặt đường cũng rất thấp. Các tuyến đường liên thôn, liên xã chỉ là đường đất, đường đèo, suối và đi được xe đạp, xe máy ở những xã vùng thấp, còn các xã vùng cao chỉ là đường mòn, cuốc bộ.
Cuộc cách mạng về giao thông của tỉnh đã được khởi động cùng công cuộc đổi mới đất nước, mà dấu ấn là công trình cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng thuộc địa phận tỉnh được khởi công ngày 3/1/1990 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 30/12/1992. Cây cầu đã trở thành động lực, sự mở đầu cho chiến lược phát triển giao thông Yên Bái những giai đoạn sau này.
Cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng trở thành động lực, sự mở đầu cho chiến lược phát triển giao thông Yên Bái những giai đoạn sau này.
Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông - vận tải
Giai đoạn từ năm 1991 - 2005, với tổng nguồn vốn khoảng 4.700 tỷ đồng, Yên Bái đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, trọng điểm đánh dấu bước chuyển mình, đột phá rõ nét trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể tới việc đưa vào sử dụng 3 cầu vượt sông Hồng, gồm: cầu Yên Bái, cầu Mậu A, cầu Văn Phú. Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư kết nối thành hệ thống giao thông liên hoàn góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lãnh đạo tỉnh Yên Bái chia sẻ niềm vui có cây cầu mới với người dân huyện Trấn Yên. (Công trình cầu Cổ Phúc - cây cầu lớn vượt sông Hồng đầu tiên của huyện Trấn Yên được khánh thành trong ngày đầu tiên của năm mới 2021)
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên sông Hồng, sông Chảy, hồ Thác Bà, hệ thống hạ tầng đường sắt Hà Nội - Lào Cai được nâng cấp, cải tạo đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Từ một cây cầu, đến nay Yên Bái lập kỳ tích với 7 cây cầu vượt sông Hồng. Mỗi công trình giao thông còn là công trình kiến trúc tăng mỹ quan vẻ đẹp đặc trưng của quê hương Yên Bái.
Người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải góp sức làm tuyến đường đặc thù.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng tính liên kết vùng
Những con đường gần nối liền các bản làng xa, người dân Yên Bái có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất, mở rộng giao thông, nâng cao đời sống. Sau 30 năm, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 50 lần, thu ngân sách tăng 116 lần, giá trị xuất khẩu tăng 35 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 30 lần. Xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đi vào chiều sâu, Yên Bái là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc…
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. Do vậy, đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những định hướng nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn; tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2026 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thanh Chi – Đức Toàn