Đẩy mạnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái trên môi trường trực tuyến

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/11/2021 | 10:48:52 AM

YênBái - Thời gian qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Yên Bái đã đạt kết quả tích cực, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Yên Bái đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. 






Các sản phẩm nông sản như: Bưởi Đại Minh - sản vật tiến vua, chè Bát Tiên Bảo Hưng, trà Tuyết Sơn Trà, gạo Séng cù, quế điếu thuốc, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ, miến đao... đang là những sản phẩm làm nên "thương hiệu" OCOP Yên Bái.



 





Thực tế chứng minh, Chương trình OCOP giúp nâng tầm nông sản địa phương và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Từ chỗ sản xuất manh mún, đơn giản đã chuyển mạnh sang phát triển các sản phẩm theo hướng chuyên sâu, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.



Yên Bái có nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng mang thương hiệu riêng nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường nhiều năm trước rất khó khăn. Chương trình OCOP khởi động được kỳ vọng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân. 

 

Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 94 sản phẩm OCOP được đánh giá phân xếp loại, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 – 4 sao (8 sản phẩm đạt 4 sao, 86 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó, nhóm thực phẩm 64 sản phẩm, nhóm đồ uống 2 sản phẩm, nhóm thảo dược 15 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ 5 sản phẩm… 

 

Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng, đạt tăng trưởng, doanh thu cao hơn từ 10-25% so với trước.

Có thể điểm tên các sản phẩm: trà Tuyết Sơn Trà (Văn Chấn); bưởi Đại Minh, (Yên Bình); gạo Séng cù (Nghĩa Lộ); trà Bát Tiên, quế điếu thuốc, nguồn nước tinh khiết từ thiên nhiên Ban Na, miến đao xã Quy Mông (Trấn Yên); dầu lạc đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn (Lục Yên); miến đao Giới Phiên, dưa lê Âu Lâu, chanh tứ thời Văn Phú, dưa chuột Văn Phú, rau cải ngọt Tuy Lộc, mật ong đa hoa tự nhiên (thành phố Yên Bái)…  

Để các sản phẩm được tiếp cận đến người tiêu dùng kể cả trong và ngoài tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; trong đó các ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí tiêu chuẩn không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực và thế giới; đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả đối với các sản phẩm OCOP sau khi được "gắn sao”. 
 
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn phát triển nội lực của mỗi địa phương với điều kiện tự nhiên, văn hóa của cơ sở. 

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; tập trung đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển 10 sản phẩm mới. 

Thời gian tới, tỉnh Yên Bái  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nhất là việc kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay; tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng, gian trưng bày giới thiệu sản phẩm…