Những người thầy “truyền lửa” đam mê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2021 | 7:41:37 AM

YênBái - Dù giảng dạy ở các bậc học, chuyên ngành khác nhau nhưng họ đều là những người thầy giỏi, giàu nhiệt huyết, trách nhiệm trong việc truyền ngọn lửa đam mê và khơi dậy tinh thần ham học, sáng tạo cho học trò. Họ luôn khắc ghi, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy hướng dẫn học trò chơi đàn guitar.
Giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy hướng dẫn học trò chơi đàn guitar.

Hơn 13 năm gắn bó với nghề, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy - giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch (VHNT&DL) tỉnh đã xây dựng nguồn cảm hứng sáng tác, đam mê âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò thông qua những tác phẩm về vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc, cuộc sống lao động, sản xuất và bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao trên mảnh đất Yên Bái. 

Sinh ra và lớn lên ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, có ông nội là nhạc công, ngay từ ấu thơ anh được tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ dân tộc và say mê, yêu thích những thanh âm ngân nga, trầm bổng ấy từ lúc nào không hay. 

Anh Huy bộc bạch: "Có lẽ, tôi được cái năng khiếu âm nhạc trời phú từ ông nội, chính ông là người đã hướng dẫn, truyền cảm hứng để tôi tìm hiểu, luyện tập các loại nhạc cụ dân tộc từ khi còn là một cậu bé”. 

Sau thời gian dài chuyên tâm luyện tập với ước mơ được bước lên sân khấu biểu diễn, anh tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện Văn Yên tổ chức, từ đây tài năng của anh bắt đầu được nhiều người biết đến. 

Trường Cao đẳng VHNT&DL tỉnh quyết định tuyển anh vào lớp tài năng âm nhạc của trường khi anh mới 13 tuổi. Dù sở trường là chơi đàn guitar nhưng với niềm đam mê, cái duyên với nhạc cụ dân tộc mà anh có khả năng chơi tốt nhiều loại nhạc cụ như sáo Mông, khèn Mông, kèn Pí pặp (dân tộc Thái), kèn Pí lè (dân tộc Dao)…

Sau 9 năm học chuyên ngành guitar tại Trường Cao đẳng VHNT&DL, thêm 5 năm học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy trở về quê hương Yên Bái công tác tại Trường Cao đẳng VHNT&DL trong vai trò giảng viên âm nhạc. Tuy công việc có phần bận rộn nhưng anh luôn coi đó làm động lực truyền cảm hứng, niềm đam mê nghệ thuật cho thế hệ học trò, hướng các em trở thành những diễn viên chơi nhạc, nghệ sĩ chân chính. 

Giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy trăn trở: "Cuộc sống hội nhập mang đến nhiều dòng âm nhạc hiện đại, mới mẻ, hấp dẫn người nghe. Âm nhạc dân tộc giờ đây lại ít được quan tâm bởi người trẻ dường như chỉ để mắt đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài. Vì vậy, tôi muốn làm điều gì đó để bảo vệ âm nhạc dân tộc trong thời đại phát triển này”. 

Nói đi đôi với làm, dưới sự dìu dắt của anh mà nhiều thế hệ học trò sau khi ra trường đã trở thành những thầy, cô giáo dạy nhạc giỏi ở các trường phổ thông; những diễn viên, người chơi nhạc giỏi trong các đoàn nghệ thuật. Hơn cả, anh đã khơi dậy được tinh thần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thông qua những tiết mục biểu diễn đặc sắc bằng nhạc cụ dân tộc mang sức lan tỏa để thế hệ trẻ hiểu và quan tâm hơn nữa đến âm nhạc dân tộc. 

Nhiều học trò của anh từng đạt giải cao trong Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường VHNT toàn quốc như: Đinh Ngọc Khánh giành huy chương Vàng với tiết mục độc tấu sáo Mông "Ngày hội vùng cao”; Hà Trung Tính và Trần Quang Thành giành Huy chương Bạc với tiết mục song tấu kèn Pí lè. 

Chia sẻ về kết quả từng đạt được, anh Hà Trung Tính cho biết: "Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì được thầy Huy hướng dẫn chỉ bảo. Thầy tận tình giúp tôi tìm hiểu về nguồn gốc của nhạc cụ dân tộc, cách chơi và luyện tập kèn Pí lè khiến tôi yêu thích, say mê và trân trọng âm nhạc dân tộc”.

Ghi dấu những thành quả lao động nghệ thuật mà giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy đạt được chính là những giải thưởng, bằng khen, giấy khen như Huy chương Vàng nội dung song tấu kèn Pí lè tại Liên hoan Ca - múa - nhạc học sinh, sinh viên các trường VHNT toàn quốc năm 1994; giải B (Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh) độc tấu sáo Mông tác phẩm "Xuân về bản” do UBND tỉnh trao tặng năm 2012; Giấy chứng nhận có thành tích xuất sắc hướng dẫn học sinh, sinh viên đạt giải Nhất tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng năm 2015… 

Ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thầy giáo Đặng Tuấn Thành - giáo viên dạy môn Tin học lại đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, miệt mài hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm kỹ thuật có tính ứng dụng cao. 

Đồng thời, nghiên cứu biên soạn và áp dụng nguồn học liệu mới vào giảng dạy. Thầy Thành tâm sự: "Nghiên cứu khoa học kỹ thuật là công việc đòi hỏi sự cần mẫn, say mê bởi đây là hoạt động phát huy trí tuệ và sự sáng tạo tới mức tối đa. Muốn thành công, điều đầu tiên phải thật sự kiên trì, nghiêm túc theo đuổi và tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về những vấn đề liên quan xoay quanh nội dung ý tưởng mà mình ấp ủ để tạo ra sản phẩm”. 

Hàng năm, thầy Thành luôn đóng góp những sáng kiến, ý tưởng mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tin học trong nhà trường, nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Môn Tin học tưởng chừng khô khan nhưng qua bài giảng của anh lại giúp các em học sinh thêm yêu thích say mê tìm hiểu môn học. 

Nhiều năm liền, anh Thành đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh đạt giải cao môn Tin học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, trong việc lên ý tưởng, nội dung thực hiện các đề tài khoa học kỹ thuật, thầy Phạm Tuấn Thành cùng các nhóm học sinh mà anh hướng dẫn đều có sự thống nhất cao. 

Thầy và trò đã tạo ra nhiều mô hình, sản phẩm sáng chế có tính ứng dụng thiết thực như sáng chế độc đáo "bục phát biểu thông minh” của nhóm em Nguyễn Đức Chiến và Vũ Mai Hồng từng giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. 

Qua em Nguyễn Đức Chiến được biết, để hoàn thành được sản phẩm, các em nhận được rất nhiều sự động viên khích lệ, giúp đỡ của thầy Thành. Tất cả những công đoạn tạo ra sản phẩm đều được thầy hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ. Những lúc chán nản khi sản phẩm còn dang dở, thầy trò lại động viên nhau cùng cố gắng quyết tâm làm tới cùng”.



Thầy giáo Đặng Tuấn Thành chia sẻ phương pháp lập trình môn tin học cho học sinh. 

Suốt 15 năm gắn bó với nghề, thầy giáo Đặng Tuấn Thành luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn và duy trì niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Liên tiếp các năm học từ 2010 - 2020, thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2015 - 2016 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận giải pháp "Nghiên cứu, biên soạn và áp dụng nguồn học liệu môn Tin học trong trường phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy và học” đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX; vinh dự được trao tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn Yên Bái vì có thành tích xuất sắc tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX… 

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, thầy Thành cho biết thêm: "Trước hết, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Còn đối với hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật, tôi cũng đang ấp ủ một vài ý tưởng mới trong năm học. Mong rằng, những người có niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, khích lệ của các cấp, ngành liên quan nhằm tạo ra những giải pháp hay, sản phẩm sáng chế độc đáo mang tính ứng dụng cao vào cuộc sống thực tiễn”.

Với bầu nhiệt huyết, trách nhiệm, tình yêu nghề và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy và thầy giáo Đặng Tuấn Thành sẽ tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, tạo thêm nguồn cảm hứng học tập, sáng tạo cho các em học sinh, sinh viên tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường phía trước.

Bùi Minh