Khơi dậy khát vọng từ mạch nguồn văn hóa dân tộc

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2021 | 7:41:15 AM

Hôm nay, 24-11, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Sự kiện được Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh từ mạch nguồn văn hóa của dân tộc...

Trước thềm hội nghị, nhiều nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, thể hiện kỳ vọng của họ về sự kiện quan trọng này.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội:

"Kim chỉ nam” cho hoạt động văn học, nghệ thuật

Giới văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng và văn nghệ sĩ cả nước nói chung rất háo hức chờ đợi và kỳ vọng ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt và tinh tế, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và phát triển văn hóa, con người. 

Vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc với việc đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn tiếp theo sẽ là "kim chỉ nam” cho chuyển động của lĩnh vực này và các hội nghề nghiệp. 

Từ đây, văn nghệ sĩ sẽ mạnh dạn, tự tin, mở rộng sáng tạo trước các vấn đề phức tạp, đa diện của Thủ đô và cả nước; có những đề xuất, lý giải mới mẻ, hấp dẫn, thuyết phục công chúng thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật; đóng góp xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới với yêu cầu phát triển toàn diện, hài hòa các mặt trí - đức - thể - mỹ, biết tôn trọng, gìn giữ mọi giá trị tinh thần quý báu của cha ông, đồng thời biết tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương:

Cổ vũ đội ngũ hoạt động văn hóa, văn nghệ cống hiến

Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, song việc cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại các địa phương chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, lực lượng sáng tác còn chưa được quan tâm đúng mức. 

Vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp trong việc phát triển văn hóa, văn nghệ, tạo động lực, cổ vũ đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật cống hiến, sáng tạo những tác phẩm giá trị, góp phần xây dựng con người, xây dựng xã hội phát triển. 

Bên cạnh đó, tôi cũng rất muốn đặt vấn đề phải xây dựng Luật Bảo vệ văn hóa, nghệ thuật để gìn giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh hiện nay; đồng thời quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống… 

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:

Phát triển công nghiệp văn hóa từ khai thác các giá trị di sản

Di sản văn hóa là vốn, là tài nguyên của mỗi quốc gia, dân tộc. Phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản văn hóa là tất yếu, có cơ sở khoa học, thực tiễn và bền vững. Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hóa, dựa vào cộng đồng sáng tạo các sản phẩm văn hóa, tạo ra giá trị di sản đương đại, giá trị gia tăng từ di sản, chúng tôi nhận thấy việc phát triển công nghiệp văn hóa từ khai thác các giá trị di sản cần quan tâm một số vấn đề.

Đó là, cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản để định hướng rõ lĩnh vực nên ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng. 

Chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông... Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người (chủ thể và khách thể) của công nghiệp văn hóa, vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hóa ở mỗi quốc gia...

Cùng với đó, cần xây dựng quy tắc đạo đức đối với việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý, khai thác di sản, di tích phù hợp với nội dung các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam, nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa; quyền, lợi ích của chủ thể văn hóa (cộng đồng); bình đẳng văn hóa và bản quyền.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Vai trò của văn hóa, giáo dục rất quan trọng

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống có nhiều biến chuyển phức tạp, thì việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Theo cá nhân tôi, để xây dựng con người Việt Nam toàn diện, trước hết phải thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, văn hóa phải "thấm sâu" vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, giáo dục…, tạo sự đồng bộ trong xã hội. Vai trò của văn hóa, giáo dục phải được hiện hữu từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội để thực sự tạo môi trường lành mạnh cho việc hình thành, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong điều kiện mới.

(Theo HNMO)