Chuyển đổi số trong giáo dục - thay đổi và thích nghi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2021 | 7:37:41 AM

YênBái - Chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được thể hiện rõ nhất trong năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022. Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi học sinh, sinh viên không thể đến trường, dạy học qua Internet, trên truyền hình, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy đã trở thành một phương thức, cách thức được các nhà trường, thầy cô và học sinh chủ động ứng dụng.

Việc sử dụng máy chiếu, ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã làm tiết học của cô và trò Trường THCS Yên Bình, huyện Yên Bình thêm sinh động.
Việc sử dụng máy chiếu, ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã làm tiết học của cô và trò Trường THCS Yên Bình, huyện Yên Bình thêm sinh động.

Với trên 460 cơ sở giáo dục, ngành GD&ĐT Yên Bái đã khai thác hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp (Voffice) tại cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc; liên thông nhận văn bản với Bộ GD&ĐT và các đơn vị khác. Tất cả các trường học trong tỉnh sử dụng học bạ điện tử giúp giáo viên giảm lao động thủ công trong nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ. 

Thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin trong trường học đã được đặc biệt quan tâm đầu tư với số lượng máy tính hiện có trên 8.570 máy, trong đó có 6.914 máy tính có kết nối mạng Internet (đạt 80,6%), 1.711 máy chiếu, 1.235 ti vi phục vụ dạy học, 1.365 bộ thiết bị bảng thông minh, gần 5.230 máy tính bảng được sử dụng thường xuyên cho dạy học trong các nhà trường. 

Cùng với triển khai xây dựng một số phần mềm chuyên biệt phục vụ các lĩnh vực quản lý giáo dục, ngành GD&ĐT Yên Bái đã tích cực tham mưu UBND tỉnh đầu tư phát triển hệ sinh thái phần mềm giáo dục nhằm xây dựng giáo dục thông minh thuộc Đề án Đô thị thông minh tỉnh...

Để đẩy mạnh và thực hiện thành công chuyển đổi số trong GD&ĐT theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể đến năm 2025, ngành GD&ĐT Yên Bái xác định quá trình này đòi hỏi không chỉ từ sự quyết tâm và tiên phong của các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục mà còn từ sự chủ động, thay đổi tư duy để thích ứng của mỗi giáo viên, học sinh để thầy và trò cùng nhận thức việc chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người với cách làm linh hoạt, quyết liệt nhưng thận trọng. 

Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Do vậy, đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng và sử dụng các thiết bị, tính năng của công nghệ, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động để đạt hiệu quả. 

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trước yêu cầu, thách thức mới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong xu thế hội nhập quốc tế. Chuyển đổi số còn mang tính toàn diện, vì vậy, ngành GD&ĐT Yên Bái cần nâng cao năng lực, nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền cho giáo viên và học sinh về vấn đề chuyển đổi số; bồi dưỡng đội ngũ cốt cán làm nhân tố nòng cốt triển khai kế hoạch chuyển đổi số của ngành. 

Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục... góp phần để ngành GD&ĐT tiên phong trong quá trình chuyển đổi số đào tạo nên những công dân có kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội quê hương, đất nước.

Thanh Chi