Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận tại tổ về các dự án luật

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/1/2022 | 2:05:31 PM

YênBái - Sáng 6/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái thảo luận tại tổ về các dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ.

Tham dự phiên thảo luận tổ tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung bàn sâu về sự cần thiết ban hành luật; quan điểm xây dựng dự án luật và phạm vi sửa đổi, bổ sung; về hồ sơ dự án luật; về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật.

Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với các dự án luật đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung. 

Cụ thể, tham gia ý kiến vào Điều 1 dự thảo Luật Đầu tư công, các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc phân bổ vốn đầu tư công; xây dựng các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư để hạn chế việc can thiệp, chi phối, đưa ra quá nhiều dự án không phù hợp với khả năng nguồn vốn; tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ xây dựng; tăng cường vai trò của nhân dân trong giám sát dự án công, công khai việc đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.



Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
 
Góp ý vào Điều 3 dự thảo Luật Đầu tư, các đại biểu đề nghị bổ sung mở rộng thêm quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác bao gồm cả trường hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.

Tham gia vào nội dung Điều 4 dự thảo Luật Đấu thầu, các đại biểu đề nghị bổ sung việc đăng tải kết quả đánh giá năng lực các nhà đầu tư trên mạng đấu thầu quốc gia; cần bổ sung các tiêu chí đánh giá để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện tốt dự án.

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tại Điều 7 dự thảo, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đánh giá chính xác, dự báo cụ thể những tác động khi triển khai áp dụng giảm thuế suất để kích cầu thị trường ô tô điện chạy bằng pin, đánh giá những mặt nguy cơ, phương án xử lý pin đã qua sử dụng, tránh ảnh hưởng đến môi trường; cân nhắc vấn đề trách nhiệm xử lý pin đã qua sử dụng của các nhà sản xuất đối với xe điện nhập khẩu và có quy định cụ thể về nội dung này.

Tham gia vào Điều 8 dự thảo Luật Thi hành án dân sự, các ý kiến đề nghị có chế độ thông tin kịp thời giữa đơn vị ủy thác và đơn vị nhận ủy thác trong thi hành án dân sự; trong dự thảo luật cần quy định rõ hơn đối với trường hợp tài sản được kê biên để thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, cần được quy định rõ về trình tự, thủ tục xử lý để đảm bảo thống nhất, thuận lợi, tránh phát sinh khiếu kiện không cần thiết.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, để các điều luật mang tính khả thi và không xảy ra vướng mắc khi triển khai thực hiện, cần có sự thống nhất, quy định chặt chẽ về việc áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của từng quy định cụ thể, phù hợp với quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.

Các ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và trình Quốc hội xem xét, làm rõ thêm các nội dung để các nghị quyết sớm được thông qua.

Cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án công trình cao tốc Bắc – Nam, phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

                                                                                                                                          Đức Toàn