Yên Bái sản xuất lúa xuân ứng phó với thời tiết lạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/1/2022 | 7:33:39 AM

YênBái - Khởi động sản xuất vụ xuân 2022, trên địa bàn tỉnh liên tiếp đón nhận những đợt không khí lạnh và báo hiệu một mùa vụ đầy khó khăn, thách thức. Do đó, trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp, các địa phương đã xây dựng “kịch bản” ứng phó.

Nông dân xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ tập trung gieo cấy lúa xuân.
Nông dân xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ tập trung gieo cấy lúa xuân.

Vụ xuân 2022, tỉnh dự kiến gieo cấy trên 19.995 ha lúa và dự ước sản lượng đạt 106.750 tấn. Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Theo dự báo, đây là vụ xuân có thời tiết khí hậu lạnh, do vậy, thời gian sinh trưởng của cây trồng sẽ kéo dài hơn (tiết "Đại hàn” vào ngày 20/1/2022 và đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm cao nhất trong năm và tiết "Lập xuân” vào ngày 4/2/2022). Trên cơ sở đó, các địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để bảo đảm lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực của các đợt rét đậm, rét hại và đợt rét cuối. 

Theo đó, các địa phương chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày và chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù. Bên cạnh sát sao lịch thời vụ, cơ cấu giống cũng được ngành chỉ đạo quyết liệt và tùy điều kiện cụ thể mỗi địa phương nên lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực và 3 - 4 giống dự phòng.

Đến nay, các địa phương đã làm đất13.849 ha; lượng mạ đã gieo quy diện tích cấy là 9.122 ha; diện tích lúa đã cấy được 786,5 ha. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nhà nông đang tập trung sản xuất lúa xuân phải đối diện với các đợt không khí lạnh tăng cường nên để đối phó với rét đậm, rét hại thì các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai kịp thời. 

Theo đó, các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C; theo dõi chặt chẽ và chăm sóc, bảo vệ tốt đối với diện tích mạ đã gieo, lúa mới cấy; chuẩn bị giống lúa dự phòng, chủ động gieo mạ dự phòng (5 - 10% diện tích mạ cùng trà) để khắc phục kịp thời cho những diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét; theo dõi sát diễn biến thời tiết chỉ đạo thời vụ gieo mạ, cấy lúa phù hợp, tranh thủ gieo cấy ngay khi trời ấm; sử dụng kỹ thuật làm mạ có mái che nilon và có lớp bùn dày chống rét; thường xuyên kiểm tra khung mái, ni lon che mạ tránh để đổ, sập, thủng, hở ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển mạ, lưu ý cần tháo nilon luyện mạ trước cấy 2 - 3 ngày.

Đồng thời, các địa phương tích cực chỉ đạo các biện pháp chăm sóc lúa ngay sau khi trời ấm trở lại như: bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục, bón thúc sớm để tạo điều kiện cho lúa sớm phục hồi, đẻ nhánh khỏe...   
  
Văn Thông