Văn Chấn chú trọng bảo vệ đàn gia súc

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/1/2022 | 7:33:44 AM

YênBái - Thời điểm này, huyện Văn Chấn cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, không khí lạnh tiếp tục tăng cường. Bám sát diễn biến thời tiết, những ngày này, huyện Văn Chấn chỉ đạo các cơ quan nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống đói rét cho gia súc.

Gia đình ông Lương Tuấn Trung, thôn Bằng Là 2, xã Đại Lịch nuôi nhốt trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp và bổ sung đầy đủ thức ăn cho vật nuôi.
Gia đình ông Lương Tuấn Trung, thôn Bằng Là 2, xã Đại Lịch nuôi nhốt trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp và bổ sung đầy đủ thức ăn cho vật nuôi.

Tại xã Nậm Búng, địa phương có đàn gia súc trên 2.100 con. Để phòng, chống đói, rét cho gia súc, xã tập trung chỉ đạo các thôn triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể, trưởng thôn đến từng hộ để vận động, hướng dẫn bà con củng cố lại chuồng trại và bảo đảm thức ăn cho vật nuôi. 

Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND xã Nậm Búng cho biết: Là xã có số lượng gia súc lớn, nên ngay khi có sự chỉ đạo của UBND huyện về phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi khi có không khí lạnh tăng cường và giao mùa, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chú ý vệ sinh, che chắn lại chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, chủ động thức ăn cho trâu, bò và không chăn thả gia súc trên đồi rừng khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C…

Đối với xã Đại Lịch, ông Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn hiện có 483 con trâu, 384 con bò, 2.325 con lợn. Để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi đói, rét, xã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống trên hệ thống loa truyền thanh; tận dụng nguyên liệu sẵn có gia cố lại chuồng trại đảm bảo kín gió giữ ấm cho vật nuôi. Đồng thời, chủ động nguồn thức ăn, chú trọng vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh cho vật nuôi. 

Tương tự như ở xã Nậm Búng, Đại Lịch, ông Phùng Thế Hanh - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cũng cho biết: Xã có 715 con trâu, 1.408 con lợn, 3.579 con lợn và 936 hộ có chuồng trại đảm bảo yêu cầu. Dù hiện nay nhận thức của người dân trong bảo vệ đàn vật nuôi đã được nâng lên, nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương vẫn tăng cường nhắc nhở, vận động bà con các biện pháp giữ ấm, dự trữ đầy đủ thức ăn. Cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun khử trùng tiêu độc và tiêm phòng các loại vắc-xin để nâng cao đề kháng của vật nuôi. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Văn Chấn, hiện tổng đàn gia súc chính toàn huyện có trên 120.000 con. Trong đó: đàn trâu có 14.563 con, bò 7.115 con, còn lại là lợn. Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, huyện Văn Chấn triển khai tốt công tác tiêm phòng vắc - xin. Do đó, đã kiểm soát được một số bệnh trên đàn gia súc như: viêm da nổi cục, lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi... 

Hiện nay, huyện đang triển khai tiêm phòng đợt 2 (năm 2021) với 9.000 liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò và tổ chức phun 900 lít thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại, khu vực chăn nuôi. 

Theo ông Hoàng Hữu Dũng - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, qua rà soát, hiện nay, gần như 100% các hộ chăn nuôi đại gia súc ở huyện Văn Chấn đã có chuồng trại nhưng tỷ lệ hộ có chuồng trại đảm bảo mới chiếm khoảng 70% - 80%. 

Do vậy, bên cạnh những giải pháp đã, đang triển khai, thời gian tới, Phòng tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết để cử cán bộ về cơ sở kiểm tra trước các đợt rét đậm, rét hại; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là những nơi trước đây có phát sinh dịch bệnh nhằm phát hiện và có các biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc - xin đợt 2. 

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn chuyển giao các biện pháp khoa học, kỹ thuật phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; rà soát toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc, vận động các hộ chưa có chuồng trại đầu tư làm chuồng trại bảo đảm vệ sinh thú y và phòng, chống rét; hướng dẫn bà con cách thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, huyện đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tích cực chỉ đạo cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống đói, rét theo khuyến cáo của ngành chức năng như: bổ sung thức ăn tinh, tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm từ trồng trọt để chế biến, bảo quản đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho gia súc; tận dụng chăn, vải, bạt cũ ủ ấm cho gia súc trong những ngày đông giá rét và đưa gia súc thả rông về chuồng trại trước khi trời rét đậm để chăm sóc tại các xã vùng cao; tiêm phòng đầy đủ vắc - xin để nâng cao sức đề kháng của gia súc.

Quang Thiều - Hùng Cường